Mùa đông năm sau, Lương ông bị bệnh rồi mất. Ba năm sau mãn tang rồi, Trạng (Chung Nhi) vẫn buồn rầu, đi lang thang làng này xóm khác, chẳng thiết gì làm ăn. Mẹ thấy thế càng thương càng chiều, nhưng Chung Nhi không chịu ở nhà, ngày càng đâm hư, hết rượu chè lại cờ bạc. Mẹ buồn lắm.
Một hôm, Chung Nhi vừa đi chơi về, người chị dâu nói mát, nhắc đến cái ý nguyện ngông cuồng của Chung Nhi ngày xưa:
– A chú đỗ Trạng, vinh quy về đó à? Trạng rượu hay Trạng thịt đấy? Thật là nhà này có phúc được nhờ quan Trạng.
Thấy chị dâu nói mỉa mai như thế, Chung Nhi trong lòng ấm ức, bực bội quyết bỏ nhà ra đi, bèn vào lạy mẹ mà rằng:
– Con xin từ tạ mẹ. Phen này nếu không làm nên danh giá, thì con quyết không trông thấy mẹ nữa. Mong mẹ lo toàn sức khỏe, gắng đợi con về, mẹ con sẽ một nhà đề huề sum họp.
Nói xong, nước mắt chan hòa, lạy mẹ rồi đi, dấn thân vào trường đời may rủi. Một hôm, đến làng kia, Trạng gặp hai người học trò lều chõng đi thi. Trạng chắp tay hỏi:
– Thưa, hai ông đi đâu?
– Chúng tôi trẩy kinh đây. Còn ông đi đâu ?
– Tôi cũng trẩy kinh. Hay là ta cùng đi cho vui.
Tính Trạng cởi mở, vui vẻ, hay nói hay cười, hai người kia rất mến. Dọc đường mọi chi phí hai người học trò kia cũng chi đỡ cho cả.
Ði đến một xóm kia thì trời tối. Có cái quán bên đường, cả ba cùng vào nghỉ đêm. Chẳng ngờ quán ấy lại là nơi tụ họp cờ bạc, đầu trộm đuôi cướp, chúng vẫn rình rập để cướp hành lý của ba nguời. Bất ngờ đêm ấy Trạng lại nằm mê, bỗng dưng hét to lên :
– Ðây rồi, bắt chúng trói cả lại cắt tiết cho ta.
Bọn trộm cướp thấy thế cắm đầu bỏ chạy. Hai người học trò nghe đầu đuôi câu truyện cảm ơn Trạng hết lời và phục Trạng là người can đảm, có biết đâu rằng Trạng nằm mê thấy lợn, đòi bắt trói lợn lại để đem làm thịt bán.