Cây sắn có nguồn gốc ở Nam Mỹ. Sắn được du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 19. Sắn phát triển tốt trên các vùng đất cát ven biển, phù sa ở mọi miền đất nước. Sắn được trồng ở châu Phi, châu Á và Mỹ La Tỉnh. Năm cao nhất, thế giới sản xuất hơn 160 triệu tấn sắn củ, cung cấp lương thực cho khoảng 300 triệu người ở nhiều nước khác nhau.
Xu hướng sử dụng sắn làm lương thực ngày càng giảm. Sắn được dùng trong nhiều ngành công nghiệp: thực phẩm (bánh, mì sợi, xúp, tương, kem, đồ uống, mặt hàng thịt, kẹo, mứt, đồ hộp rau quả, bia, thức ăn nhanh, hương liệu, chất màu thực phẩm, phối liệu chất béo của các món ăn kiêng, chất ngọt), thức ăn chăn nuôi, bánh, kẹo, giấy, dệt vải, kết dính, dextrin, glucose, lysine, monosodium glutamate (mì chính), sorbitol, axit citric, axit oxalic, gỗ dán, xà phòng, dung dịch khoan giếng dầu, kết tủa khoáng sản, bột băng bó phẫu thuật, kết dính đồ gốm…..
Củ sắn có thể có độc tố axit cyanhydric. Hàm lượng axit cyanhydric trong sản phẩm sắn làm phối liệu thức ăn chăn nuôi không được quá 0,01%.
Sắn lát và sắn viên là các mặt hàng chính trên thị trường thế giới. Tinh bột sắn, bột đen, bột sắn, trận châu, gari là các sản phẩm thương mại phổ biến song khối lượng không thực sự nhiều.
Hàng năm, thị trường thế giới trao đổi hơn chín triệu tấn các loại sản phẩm sắn khô. Các nước dạng phát triển là nguồn xuất khẩu sản phẩm sắn, trong đó Thái Lan và Indonesia là hai nguồn chính cung cấp gần bảy triệu tấn sắn viên cho công nghiệp thức ăn chăn nuôi châu Âu thay cho sắn lát và bột sắn trước đây. Các nước phát triển nhập hầu hết lượng sắn: Châu Âu nhập 6.397.000 tấn, Trung Quốc 763.000 tấn, Hàn Quốc 633.000 tấn, Nhật Bản 477.000 tấn. Ở Thái Lan, giá sắn củ tươi là 28,67 USD/tấn, lát 85,70 USD/tấn, viên 80 – 190 USD/tấn, tinh bột 233,34 USD/tấn. Giá FOB Rotterdam 120 – 175 USD/tấn sắn viên. Sắn Việt Nam đạt sản lượng khoảng hai triệu tấn/năm nhưng sản phẩm sắn thương mại hóa còn nhiều hạn chế, khối lượng rất nhỏ tham gia thị trường thế giới.