Một lần, tôi cùng vợ tham gia chương trình “Phát huy thiên tài” của Tiến sĩ Francis Xavier. Chúng tôi hết sức ấn tượng với mục tiêu phát triển nhân cách con người của chương trình này. Nó bao gồm nhiều vấn đề như quản lý thời gian, giải tỏa sự căng thẳng, nâng cao trí nhớ và sức mạnh của não bộ, tăng cường sức khỏe và hạnh phúc.
Điều đáng nói là trong mỗi phần trình bày của mình, Tiến sĩ Francis Xavier đều lồng vào đó những câu chuyện minh họa rất sống động nhằm động viên và truyền cảm hứng cho người nghe.
Sau chương trình, tôi hỏi ông: “Thưa Tiến sĩ, ngài biết được cả thảy bao nhiêu câu chuyện?”. Ông trả lời: “Chắc là trên chục ngàn”.
Cuốn sách mà bạn đang cầm trên tay chính là kết quả của những nỗ lực không ngừng của Tiến sĩ Xavier – một bậc thầy kể chuyện, người đã đọc hàng ngàn cuốn sách và tham dự rất nhiều hội thảo cũng như các chương trình đào tạo trên khắp thế giới.
Cuốn sách Bài Học Vô Giá Từ Những Điều Bình Dị này là tập hợp các câu chuyện tuyệt vời từ khắp nơi trên thế giới, từ mọi tầng lớp xã hội . Đây là những câu chuyện ngắn gọn mà bạn có thể kể cho bạn bè, người thân của mình nghe trong các buổi tiệc, khi thuyết trình nơi công sở hoặc khi kể chuyện cho con trẻ mỗi ngày.
Tôi đã đọc nhiều lần những câu chuyện trong cuốn sách này và bao giờ cũng rút ra cho mình được những bài học quý giá. Đây thật sự là một mỏ vàng mà nếu biết cách khai thác và sử dụng, bạn sẽ có được một kho tàng vô giá.
Xin chúc các bạn thành công và hạnh phúc!
LỜI TÁC GIẢ
Tôi đang thực hiện một chương trình đào tạo mang tên “Phát huy thiên tài” nhằm phát triển nhân cách và phát huy tài năng của con người. Chương trình áp dụng rất nhiều phương pháp đào tạo đúc kết từ tinh hoa phương Đông phối hợp với tư tưởng khoa học phương Tây. Một trong những phương pháp hiệu quả được áp dụng trong chương trình là “Suy ngẫm câu chuyện” (Story Meditation). Bạn sẽ được thưởng thức những câu chuyện giàu tính triết lý và nhân sinh. Phần cuối của câu chuyện không được giải đáp ngay mà người đọc phải tự suy nghĩ về câu trả lời. Tất cả đều phải suy nghĩ thật kỹ lưỡng và liên hệ với những tình huống xảy ra trong cuộc đời mình. Phương pháp này được nhiều người đánh giá cao vì nó làm thay đổi tư tưởng và khiến họ không ngừng học hỏi để hoàn thiện chính mình.
Bản thân tôi đã từng trải qua quá trình tự hoàn thiện tương tự. Vì thế, tôi mong rằng cuốn sách này sẽ khơi gợi cảm hứng và tinh thần học hỏi ở các bạn. Hãy đọc nó bằng tinh thần cởi mở, cố gắng tìm ra lời giải đáp cho các câu hỏi ở cuối mỗi câu chuyện trước khi tham khảo phần đáp án của chúng tôi ở cuối quyển sách. Điều quan trọng là bạn nên suy nghĩ thật kỹ về thông điệp của mỗi câu chuyện cũng như rút ra cho mình những bài học quý giá hơn là đọc lướt qua chỉ để giải trí.
Chia sẻ với các bậc phụ huynh: Hãy dành cuốn sách này cho con của bạn như một món quà nhiều ý nghĩa. Những câu chuyện trong cuốn sách sẽ giúp trẻ tự rút rút ra cho mì nh những bài học quý giá và hoàn thiện bản thân mà không cần đến những lời “giáo huấn” của cha mẹ như ngày trước. Nhờ đó, bạn sẽ có vai trò như một người hướng dẫn cho con đọc sách, một người bạn đồng cảm cùng con trong những ý nghĩa ẩn sau mỗi câu chuyện.
Chúc bạn có những giờ phút ấm áp trong tình cảm gia đình và những cảm nhận sâu sắc về ý nghĩa của cuộc sống!
DƯỠNG NUÔI CHỮ NHẪN
Ngày xưa, ở Ấn Độ có một ông lão nổi danh về sự điềm đạm. Chưa ai có thể khuấy động được sự tĩnh lặng trong tâm hồn ông, kể cả những kẻ cố tình buông lời khích bác nặng nề nhất. Vì thế, hầu như mọi người trong làng đều rất tò mò về ông.
Một ngày nọ, một số thanh niên trong làng quyết định tìm cách chọc giận ông lão. Họ thuê một thằng bé lưu manh nhất làng và chỉ cho nó những điều cần làm. Họ hứa sẽ trả cho thằng bé 500 rupi(*) nếu nó làm cho ông lão không còn tự chủ được.
Đám thanh niên biết rõ ông lão có thói quen đi tắm sông vào mỗi buổi sáng. Thế là chúng lén đi theo ông và nấp vào bụi cây bên bờ sông. Khi ông lão vừa tắm xong, lên bờ thì thằng bé kia chạy đến tát vào mặt ông. Ông lão chỉ mỉm cười rồi quay trở lại sông tắm tiếp. Khi ông lên bờ lần thứ hai, thằng bé lại tiếp tục chạy đến tát ông. Lần này, ông lão cũng chỉ mỉm cười và trở lại sông tắm.
Chuyện khó tin này cứ thế diễn ra cả chục lần. Cuối cùng, thằng bé lưu manh dừng hành động tội lỗi của mình lại và quỳ thụp xuống trước mặt ông lão. Nó cầu xin ông tha thứ với tất cả sự hối hận và chân thành. Nhóm thanh niên chủ mưu cũng ra khỏi bụi cây và chạy đến xin ông tha lỗi.
Vô cùng ngạc nhiên trước sự nhẫn nhục của ông lão, một thanh niên trong nhóm hỏi:
– Thưa ông! Làm sao ông chịu đựng được hành động đáng
hổ thẹn này của chúng cháu như vậy ạ?