Ba Phút Sự Thật không phải chỉ ngắn ngủi để người đọc có thể đọc trong ba phút, cũng không xuề xoà hay tương đối như cái cách người ta vẫn hay nói đến sự thật. Ba Phút Sự Thật – thật đến trần trụi, gai góc và đau lòng.
Trong sự thật ấy có một triết gia kỳ quặc, cô độc trong căn hộ bề bộn chỉ mải lo cho những vấn đề về con người và triết học mà quên béng đi thực tại, cũng quên luôn cả cơm áo gạo tiền hay danh vọng, địa vị. Đến nỗi cho đến lúc chết, hàng xóm của ông vẫn chẳng tin ông là người được truy điệu mà tivi đưa tin.
Trong sự thật ấy có một nhà thơ trong buổi kháng chiến nghèo khổ bộn bề đã đứng thẳng lưng, ngẩng cao đầu, can đảm, quyết liệt chống lại hiểm hoạ tham nhũng tàn phá đất nước.
Trong sự thật ấy có một nhạc sĩ, người đã viết nên bản Quốc ca hùng tráng cho đất nước Việt Nam, nghiêng ngả trong cơn say giữa đời với hai vế mâu thuẫn “Mình rất cần tiền mà cũng vô cùng chán tiền.”
Những câu chuyện còn lại của Phùng Quán, có cái là thực tại, có cái là quá khứ nhưng đều khiến người đọc xót xa. Biết làm sao, một thời đã qua của đất nước với bao nhiêu đau thương, bao nhiêu cực đoan, bao nhiêu tàn nhẫn của những bước chân sai lầm. Chỉ tiếc đến khi người ta nhìn ra sai lầm ấy, người ta hối hả sửa chữa thì người còn người mất.
Cuộc đời Phùng Quán, cuộc đời những người bạn văn, bạn thơ của Phùng Quán hiện lên trong trang sách với tất cả thiếu thốn, nghèo khổ nhưng lại đầy trách nhiệm với công việc, với con đường mà mình đã chọn. Như triết gia Trần Đức Thảo lôi thôi nhếch nhác quần ống thấp ống cao vẫn nghiên cứu về “Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không có con người” cho đến khi chết. Hay như Nguyễn Hữu Đang – người chỉ huy dựng Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình năm 1945, sống trong căn chòi rách nát và cố gắng tìm cách tập hợp lại những tài liệu chẳng rõ còn hay mất trong những ngày trọng đại của dân tộc.
Ba Phút Sự Thật không dành cho ai muốn tìm đến những trang viết hào hùng trong sáng như Tuổi Thơ Dữ Dội, cũng sẽ không dành cho ai muốn tìm những “sự thật” để yêu hơn cuộc sống này. Phùng Quán viết bằng trải nghiệm của một đời lính, một đời văn – một đời vất vả. Thấp thoáng trong Ba Phút Sự Thật có những khoảnh khắc của một thời thiếu niên trong sáng chỉ biết cống hiến hết mình cho cách mạng, nhưng rồi nó chỉ thoảng qua để làm nền cho những hồi ức buồn đến ám ảnh của chiến tranh – như chính Phùng Quán nói, Tuổi Thơ Dữ Dội là bản di chúc của ông.
Nhà thơ Tố Hữu đã nói ngay trong chương đầu tiên của Ba Phút Sự Thật. “Thằng Quán nó dại… mà cậu cũng dại…” (nhà thơ Tố Hữu là cậu của nhà văn Phùng Quán). Thì đấy, “Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”. Ba Phút Sự Thật là tập di cảo, là những gì còn lại của một người tài hoa nhưng đã “lỡ dại” mà chọn nghiệp văn chương.
“Phùng Quán (1932- 1995) là nhà văn để lại nhiều dấu ấn khó quên trong lịch sử văn học Cách mạng Việt Nam từ nửa sau thế ký XX. Anh là một nhà văn chiến sĩ trọn đời trung thành với lý tưởng mà mình đã chọn từ thuở thiếu thời: Đi theo Vệ quốc Đoàn chiến đấu vì Tổ quốc vì nhân dân. Dù phải vượt qua vô vàn tai ương đau khổ suốt 30 năm trời, từ sau vụ “Nhân văn giai phẩm”; dù phải đi lao động cải tạo từ Thái Nguyên, Việt Trt, Thanh Hóa, Thái Bình, không nhà cửa, lấy nhau có hai con rồi mà 20 năm ròng không có chỗ trú thân.
Tên không được in trên sách, phải “cá trộm, rượu chịu, văn chui”. Thế mà anh không hề thù oán ai, vẫn cặm cụi viết và vẫn viết “dòng đầu thẳng ngay như dòng cuối”, luôn xưng tụng đất nước, xưng tụng nhân dân, xưng tụng cách mạng, xưng tụng tình yêu bằng những tác phẩm văn chương cuốn hút bốc lửa và thiêí tha, nhân bản. Phùng Quán đã để lại trong lòng bạn bè, đồng nghiệp mộl nhân cách cao cả, một lòng tin yêu đồng đội và nhân dân sâu sắc, một tấm gương lao động hêt mình, tới hàng chục tác phẩm thơ, trường ca, truyện thơ, tiểu thuyết được nhiều thế hệ bạn đọc mến mộ…
Một Phùng Quán – Văn với tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo”.Cho đến bộ tiểu thuyết ngót ngàn trang “Tuổi thơ dữ dội”, được tái bản lần thứ chín (lần tái bản gần đây nhât do Nhà xuất bản Kim Đồng thực hiện năm 2005). Tuổi thơ dữ dội được đạo diễn Vinh Sơn dựng thành phim cùng tên làm xúc động hàng triệu khán giả Việt Nam trong và ngoài nước. Phim được giải thưởng của Liên hoan phim Việt Nam và Tổng Cục Chính trị, Bộ Quốc phòng. “Tuổi thơ dữ dội” xuất hiện 32 năm sau sự kiện “Nhân văn”, được giải thướng Hội Nhà văn, chứng tỏ sự thủy chung, gan ruột trước sau như một của ngòi bút Phùng Quán đối với con đường mà anh đã chọn!
Một Phùng Quán – Thơ coi “thơ là lý lịch, là mạng sống đời tôi “; với những bài thơ gan ruột như bài thơ “Lời mẹ dặn” nổi tiếng một thời:
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu…
Và những bài thơ “Hôn”, “Trăng Hoàng Cung”, “Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe”… đọc lên như nghe lời kinh cầu nguyện cho thân phận con người:
Thơ ai như thơ ông
Mỗi chữ đều như róc
Từ xương thịt cuộc đời
Từ bi thương phẫn uất… Đã đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ khốn cùng
Thơ chết áo đắp mặt?…
Ngoài tiểu thuyết, trường ca, thơ, Phùng Quán còn có hàng chục bài ký thấm đẫm chất nhân văn viết về những người thân, về đồng đội, đồng nghiệp nôỉ tiếng của mình như Tố Hữu, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Hữu Đang, Văn Cao, Hồ Vi, Phùng Cung, Trần Đức Thảo, Tuân Nguyễn…; viết về những chiến sĩ cách mạng Cuba; những hồi ức về những ngày đánh Pháp ở Huế, những ngày đi lao động cải tạo ở công trường Cổ Đam, Thái Bình.v.v… Một số bài viết đã được giới thiệu trên các báo, nhưng cũng có những bài viết chưa công bố bao giờ. Chúng tôi chọn lọc và tập hợp những bài viết ấy thành cuốn sách “Phùng Quán- Ba phút sự thật”. Tất cả những áng văn âý được viết với một giọng văn pha hài rất chuyên nghiệp, kêt cấu khúc chiêt, dẫn người đọc đi từ bât ngờ này đến bất ngờ khác.
Đọc “Phùng Quán – Ba phút sự thật” bạn đọc sẽ hiểu thêm số phận bi tráng mà cao thượng của những người trí thức; càng hiểu thêm sự nhân hậu của cây bút, “một đời lao lực, một đời cay cực, một đời thơ” Phùng Quán…” – Ngô Minh