Tôi không phải là một Phật tử, chỉ đơn giản là một người bình thường có tâm Phật. Nhưng cái may mắn của tôi là được làm việc tại một công ty xuất bản, đặc biệt là xuất bản sách về Phật pháp, được gặp gỡ, được nghe pháp thoại từ các vị Tăng Ni… để tôi luôn cảm nhận mình hạnh phúc và yên bình. Đây là phước đức lớn nhất trong cuộc đời của tôi.
Những ngày cuối thu nắng ấm, tôi được tiếp Ni sư Thích Nữ Giác Liên tại văn phòng công ty. Tôi thích gọi hai tiếng thân thuộc “Sư bà” hơn cả, vì sự ấm áp, chân tình trong từng lời nói, ánh mắt và cử chỉ đã lan tỏa tới tôi. Nụ cười hiền hậu, thân quen như bà nội của tôi vậy. Sư bà giới thiệu với tôi ba tập bản thảo Như thế nào là giải thoát?, Thắp sáng đèn chân lý và Bờ giải thoát ngay trong buổi gặp hôm đó. Tôi đã xin phép Sư bà được giới thiệu cuốn sách Như thế nào là giải thoát?, xin phép được cảm nhận theo cách của riêng tôi.
Cuốn sách Như thế nào là giải thoát? gồm 32 bài viết dung dị, mộc mạc mà thực sự sâu sắc như con người của Sư bà vậy. Phần lớn nội dung các bài viết tập trung giới thiệu và cảm nhận về nhân duyên tu hành của Sư bà, về cuộc sống màu nhiệm tại xứ Phật; về chăm sóc con trẻ theo cách nhìn của Đạo Phật; về gieo mầm hạnh phúc; về phận làm thầy, phận làm trò; về Nhân Quả kiếp người… Mỗi bài viết là một khúc ca tâm tình, là trải nghiệm, là bài học,… Tôi tin độc giả sẽ đọc và đọc nhiều lần.
Trong bài “Hân hạnh sinh vào xứ Việt Nam”, Sư bà chia sẻ: “Tôi mang dòng máu Ấn, hân hạnh sinh vào xứ Việt Nam. Xứ Ấn là mảnh đất thiêng, nhiều hiền nhân xuất thế. Xứ Việt Nam là mảnh đất địa linh nhân kiệt, sản sinh nhiều anh hùng cứu nước và dựng nước mà có nhân duyên với Đạo Phật như Phật hoàng Trần Nhân Tông và hai vị Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường…” Sư bà đã lan truyền lòng tự hào dân tộc cho mọi người, Sư bà hãnh diện nói “… tôi hãnh diện dòng máu Ấn luân lưu trong cơ thể tôi, hòa lẫn suối nguồn của đất nước Việt Nam.”
Theo Sư bà, “giải thoát” có nghĩa là không bị ràng buộc, nhưng giải thoát không có nghĩa là chạy trốn và buông bỏ tất cả không định hướng. Tự tánh giải thoát không có gì ràng buộc, có những người không đòi hỏi giải thoát, họ sống rất hạnh phúc. Như các nhà khoa học, họ lấy thế giới làm nhà, lấy không gian làm lò sưởi ấm, lấy biển cả và rừng thiêng làm mầm sống. Họ vui lòng trước hiểm họa, trước cái chết trong những cuộc thám hiểm. Những vị ấy nào đợi giải thoát vì họ chẳng có gì để ràng buộc.
Ở cuốn sách, tôi bị thu hút bởi “Những chuyện mầu nhiệm nơi xứ Phật”. Sư bà viết: “Người dân xứ Ấn và Nepal đời sống gần như gắn liền với thiên nhiên, môi trường sinh thái được bảo vệ. Dân Ấn trên một tỷ người, cộng với Nepal trên 20 triệu người, thế mà đa số họ ăn rau củ, không sát sinh loài vật. Người dân xứ Phật mang nhiều sắc tộc, tôn giáo. Quan niệm sống về tâm linh nhiều hơn!” Tôi ấn tượng với cảnh hùng vĩ trong “Bức tranh tuyệt mỹ”:
Đã đến nơi rồi đỉnh Tuyết Sơn,
Bâng khuâng xúc động tấc lòng son.
Bao năm phiêu bạt đường sanh tử,
Nay đã trở về nơi cố hương.
Hy Mã Lạp Sơn cao đỉnh non
Bức tranh tuyệt mỹ, ẩn màu son.
Tuyết phủ quanh năm, vùng Thánh địa
Tuyết chẳng buồn vui chuyện mất còn…!
Tôi không khỏi chú ý với các bài viết về việc giáo dục trẻ em trong cuốn sách của Sư bà như “Đừng đánh trẻ con”, “Cha mẹ là cái phao của con”, “Sanh con dễ, nuôi dạy con khó hơn” , “Kinh nghiệm giáo dục trẻ em”. Sư bà khi còn trẻ đã từng có thời gian dạy trong cô nhi viện, và trường Trí Nhân tại Gia Định (nay là Tp. Hồ Chí Minh) từ những năm 1972- 1973. Sư bà vừa dạy trẻ bằng tình yêu thương vừa bằng kiến thức tích lũy từ các bài học tâm lý, từ các học giả Ấn Độ… Sư bà cho rằng: “Việt Nam chúng ta là đất nước thích học hỏi, cầu tiến, có những bậc anh hùng xuất thân từ áo vải. Những anh hùng này cũng lớn lên từ đứa trẻ. Phận làm cha mẹ nên chú ý dạy con, cho con học vấn chưa đủ, chính gia đình sống đạo đức, vợ chồng hài hòa khi đó cha mẹ là tấm gương sáng nhất, nếu cha mẹ bất hòa, con bị mất điểm tựa tinh thần. Cha mẹ là cái phao của con khi con vấp ngã cuộc đời, cha mẹ ra tay cứu vớt đừng để con đi vào đường bế tắc, vừa vấp ngã, vừa bị tổn thương. Cẩn thận giáo huấn con em, uốn nắn nó từ nhỏ; phương pháp dạy trẻ có lúc nhu lúc cương… Sanh con dễ, dạy con nên người hữu dụng sau này mới khó.”
Tôi tin khi đọc mỗi bài viết trong cuốn sách này, các bạn sẽ tự soi lại mình trong đó để sống tốt hơn, sống thiện hơn và an lạc hơn.
Tôi phát nguyện sẽ tới thăm sức khỏe Sư bà tại xứ Phật trong một tương lai không xa. Kính chúc các bạn thân tâm an lạc!