Các trang sau đây sẽ bàn đến Thế Thân và triết học của ông, một chủ đề có nhiều tranh luận và nhiều điều rắc rối đến độ ngay cả thân thế của chính Thế Thân cũng bị nghi ngờ. Tuy nhiên, nhìn chung các học giả đều đồng ý xem ông là một triết gia duy tâm và triết học của ông là triết học duy tâm, theo đó “Thức là thực tại duy nhất, không có gì hiện hữu bên ngoài nó”. Thật vậy, nếu như chúng ta mở ra bất kỳ cuốn sách nào về chủ đề lịch sử triết học Ấn Độ, chúng ta có thể thấy ngay rằng Thế Thân thật sự đã được gán cho tính chất như vậy, chủ yếu là dưới tiêu đề Du già duy tâm luận.
Tuy nhiên sự nghiên cứu của tôi về ông và triết học của ông cho thấy điều ngược lại. Ông không chỉ xem thức là thực tại duy nhất, không có gì hiện hữu ngoài nó, mà còn phủ nhận cả sự hiện hữu của thức. Bắt đầu với câu hỏi tiên khởi về đối tượng của thức có phải chỉ là giả danh, ông đã đi đến kết luận chung cuộc thức chỉ là một cơ cấu qua đó thông tin được xử lý. Vì thế như chính ông đã phát biểu, “thức tuyệt đối không hiện hữu theo cách nó lập thành chính nó qua ngôn ngữ và theo cách nó lập thành đối tượng qua ngôn ngữ”. Nói cách khác, thức tuyệt đối không hiện hữu theo cách nó xử lý thông tin từ thế giới khách quan. Tại sao? Vì thức chỉ là một cơ-cấu-xử-lý-thông-tin, không hơn không kém. Vậy, khi mô tả như thế, điều tất yếu là ta khó có thể xem Thế Thân là triết gia duy tâm và triết học của ông là triết học duy tâm.
Dĩ nhiên, Thế Thân có phải là triết gia duy tâm và triết học của ông có phải là triết học duy tâm hay không là vấn đề không quá quan trọng. Điều quan trọng là khi đưa ra một quan điểm như thế thì triết học của ông sẽ không được mô tả đúng và như vậy sẽ không được đánh giá đúng, nhất là khi mọi người nhìn chung đều đồng ý rằng triết học Thế Thân đóng một vai trò chủ chốt và quyết định trong chính lịch sử triết học Ấn Độ.