Có ba quyển sách ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời tôi, đó là quyển Milarepa do W. Y. Evans-Wentz xuất bản, viết về đời sống của Bồ tát Tây Tạng Milarepa, quyển thứ hai là quyển nhật ký của Nijinski, một nghệ sĩ múa người Nga, quyển thứ ba là quyển Ecce Homo của Nietzsche, tức là quyển này đây.
Nhiều lúc điên gàn vớ vẩn, tôi tưởng tượng rằng tôi bị mù mắt, bị bại liệt cả thân thể một ngày nào đó thơ mộng trong kiếp này hoặc kiếp sau, trong một căn nhà đổ nát, tôi nằm dài trên nệm đất, trời nắng dữ dội, mắt tôi không thấy gì cả, nhưng lỗ tai tôi còn nghe được tiếng thở của trái đất thì có một người nào đó sẽ độ lượng chịu cực đọc cho tôi nghe năm mười trang trong quyển Milarepa hoặc quyển Ecce Homo của Nietzsche. Chắc lúc ấy mắt tôi sẽ bừng sáng lại được, và tôi vùng lên đứng dậy, không còn bại liệt nữa. Tôi sẽ chạy đâm đầu vào núi cấm để chờ ngày núi nổ banh ra làm hai thì tôi sẽ khoan thai bước ra hiện nguyên tính! Lúc ấy cỏ xanh sẽ nhảy múa dưới chân tôi, chân tôi sẽ lướt trên cỏ như ma đi hỏng chân. Nhưng điều chắc chắn là tôi sẽ không là ma, mà là một cái gì rất hiền lành, rất dễ dạy, rất chậm chạp, vô danh, miệng cứ cười một nụ cười nhè nhẹ như không khí.
Tôi thường mang tiếng là giỏi sinh ngữ, thực sự thì tôi khinh bỉ những kẻ nào biết nhiều thứ tiếng. Tôi vẫn nghĩ rằng chữ Việt là chữ khó đọc nhất, vì chữ Việt không có văn phạm và ngữ pháp, không có ngày nào tôi không dở Tự điển Việt Nam của Hội Khai Trí Tiến Đức và quyển Việt Nam tân tự điển của Thanh Nghị để học từng chữ A, từng chữ B, tôi chịu khó học lại từng dấu hỏi, dấu ngã để nhìn lại những nét mặt quen thuộc của bà con làng xóm mà từ bao nhiêu năm lang bạt kỳ hồ tôi đã bỏ quên một cách ngu dại. Đối với tôi, tiếng Việt còn giữ lại một niềm bí ẩn nào đó mà cả đời tôi cũng không thể nào khoét sâu vào được. Có lẽ khi sắp chết thì niềm bí ẩn kia sẽ hiện nguyên hình…
Còn tiếng ngoại quốc? Tôi coi những thứ tiếng ngoại quốc như những trò chơi nhảm nhí. Hồi 13-14 tuổi, tôi đã học tiếng Nga, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Hoà Lan, tiếng Ba Lan, vân vân. Đến năm 18-19 tuổi, tôi lại học thêm tiếng Phạn, tiếng Pali, tiếng Hy Lạp, tiếng Tây Tạng, vân vân. Bây giờ có lẽ tôi đã quên hết mọi thứ tiếng, tôi chỉ nhớ một tiếng A của chữ Phạn, chỉ nội có tiếng A này có lẽ tôi phải đầu thai đến một trăm kiếp nữa thì mới hiểu nổi hết tất cả ý nghĩ kỳ lạ của tiếng A trong chữ Phạn!
Sở dĩ tôi say mê ba quyển sách kể trên (Milarepa, Nijinsky và Nietzsche) là vì tôi coi ba quyển sách này như là ba quyển văn phạm vỡ lòng để đi vào tiếng A của chữ Phạn! Tại sao thế? Xin cho tôi giữ lại một chút kín đáo về đời sống tâm linh mình.
Bây giờ tôi xin nhường lời lại cho Nietzsche.
Và đây là người mà chúng ta mong đợi, Ecce Homo!
Phạm Công Thiện
Ngày 5 tháng 11, 1969