Những năm cuối của thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI đã chứng kiến nhiều sự kiện đặc biệt trong đời sống quốc tế. Sự thống trị của Phương Tây trong nhiều lĩnh vực bắt đầu suy giảm, nhường chỗ cho sự phát triển trên nhiều lĩnh vực khác nhau của các nước phi phương Tây khác trên thế giới, đặc biệt là ở Châu Á, trong đó có Việt Nam. Mối liên kết giữa các quốc gia hình như dựa trên một nền tảng mới. Những tranh chấp về sắc tộc, tôn giáo, phong trào tôn giáo cực đoan, sự chênh lệch giàu – nghèo… đang là vấn đề làm thế giới loài người lo lắng. Hậu quả của chúng thật ghê gớm ở nhiều nơi trên thế giới và ảnh hưởng đến hầu như mọi quốc gia. Nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng, sự kiện đó và nhiều sự kiện khác là gì? Những lý giải cho các hiện tượng và sự kiện mà loài người vừa được chứng kiến có thể tìm thấy trong cuốn sách này.
Cuốn sách này được viết trước khi nhiều sự kiện trên thế giới của những năm sau đó mà chúng ta vừa được chứng kiến chưa xảy ra. Có thể nói rằng nhiều nhận định của cuốn sách có tính tiên đoán.
Chủ đề chính của cuốn sách là văn hóa và bản sắc văn hóa, mà ở mức độ rộng nhất chính là các bản sắc văn minh đang hình thành các hình mẫu liên kết, tan rã và xung đột trong thế giới hậu Chiến tranh Lạnh. Cuốn sách cũng cố gắng tìm câu trả lời cho câu hỏi xác định bản sắc văn hóa, văn minh Ta là ai? Và Ta thuộc về đâu? Cuốn sách gồm 5 phần:
Phần 1: Bàn về bản chất các nền văn minh, quan hệ giữa các nền văn minh và phản ứng của các nền văn minh khác đối với nền văn minh phương Tây.
Phần 2: Cho độc giả một cái nhìn mới về cán cân thăng bằng giữa các nền văn minh đang thay đổi: phương Tây đang suy thoái về ảnh hưởng tương đối, các nền văn minh Á châu đang bành trướng sức mạnh kinh tế, quân sự và chính trị…
Phần 3: Bàn về mối quan hệ giữa các quốc gia và đặc biệt lưu ý đến cơ sở của những mối liên kết mới: mối liên kết dựa trên cơ sở nền văn minh và văn hóa hình như đang thay cho sự liên kết dựa trên ý thức hệ tư tưởng.
Phần 4: Giới thiệu nhiều ý kiến khác nhau phản bác khái niệm về tính phổ cập của văn minh phương Tây, coi đó là nền văn minh phổ cập cho toàn thể nhân loại.
Phần 5: Vẽ ra một bức tranh về tương lai các nền văn minh và cho rằng để tránh được một cuộc chiến tranh giữa các nền văn minh, các nhà lãnh đạo thế giới cần chấp nhận và hợp tác để duy trì tính chất đa văn minh của nền chính trị toàn cầu…