Chỉ có một vấn đề triết học thật sự nghiêm túc: đó là sự tự sát. Đánh giá cuộc đời đáng sống hoặc không đáng sống chính là trả lời cho vấn đề cơ bản của triết học. Những vấn đề còn lại, như thế giới có ba chiều hay không, linh hồn có chín hay mười hai loại, tất cả đều được xếp ở phía sau. Đó là những linh hồn trò chơi; trước hết ta phải trả lời. Và, như Nietzsche mong muốn, nếu đúng là một nhà triết học, vì muốn trở thành một con người đáng quý mà cần phải nêu gương, thì anh ta phải nắm bắt được tầm quan trọng của câu trả lời này bởi vì nó sẽ dẫn đến cái hành vi quyết định cuối cùng. Đó là những điều hiển nhiên nhạy cảm với trái tim, nhưng chúng ta cần phải đi sâu tìm hiểu chúng để làm cho tinh thần hiểu rõ chúng.
Nếu tôi tự hỏi làm thế nào để biết được vấn đề nào tỏ ra thúc bách hơn vấn đề nào, thì tôi sẽ trả lời rằng tôi sẽ phải dựa vào những hành động mà nó yêu cầu. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một người nào chết vì luận chứng bản thể. Galilée [tiếng Italia: Galileo Galilei – ND], người nắm giữ một chân lý khoa học quan trọng, đã sẵn sàng từ bỏ ngay khi nó có nguy cơ làm nguy hại đến mạng sống của ông. Theo một nghĩa nào đó ông đã hành động đúng. Cái chân lý đó không đáng để cho ông bị chết thiêu. Trái đất hoặc mặt trời, cái nào quay xung quanh cái nào, điều đó hoàn toàn không quan trọng. Nói cho cùng, đó là một vấn đề tầm phào. Trái lại, tôi thấy nhiều người chết vì họ cho rằng cuộc đời không đáng sống. Tôi cũng thấy có nhiều khác chịu chết một cách nghịch lý vì những ý tưởng hoặc những ảo tưởng mà họ cho là lẽ sống của họ (cái gọi là lẽ sống đồng thời cũng hoàn toàn là một lẽ chết). Do đó, tôi cho rằng ý nghĩa cuộc sống là vấn đề thúc bách nhất trong số các vấn đề. Giải đáp vấn đề này như thế nào? Trong số tất cả những vấn đề chủ yếu, tức là những vấn đề có nguy cơ làm cho người ta phải chết hoặc những vấn đề làm tăng gấp bội khát vọng sống, có lẽ chỉ có hai phương pháp tư duy, đó là phương pháp của La Palisse và phương pháp của Don Quichotte. Chỉ có sự cân bằng giữa điều hiển nhiên với cảm hứng trữ tình mới có thể cho phép chúng ta tiếp cận đồng thời được cả cảm xúc lẫn cảm giác rõ ràng. Người ta nhận thấy rằng, trong một chủ đề vừa nhún nhường mang lại vừa mang tính thống thiết đến thế, thì cái phương pháp biện chứng mang tính bác học và cổ điển cần phải nhường chỗ cho một thái độ khiêm tốn hơn có nhiệm vụ hành động vừa theo lương tri vừa theo sự đồng cảm.
Chưa bao giờ người ta coi sự tự sát là một hiện tượng xã hội. Trái lại, trước hết đây là vấn đề về mối quan hệ giữa tư duy cá nhân với sự tự sát. Một hành động như sự tự sát đã được chuẩn bị trong sự im lặng của cõi lòng cũng giống như ta làm một công việc trọng đại. Ngay cả người định tự sát cũng không biết điều đó. Một tối kia, anh ta tự bắn vào đầu hoặc nhảy xuống sông trẫm mình. Về chuyện một viên quản lý nhà chung cư tự sát, một hôm tôi được biết rằng ông ta đã mất đứa con gái từ năm năm nay, rằng đó ông ta đã thay đổi nhiều và rằng chuyện này “đã làm cho ông hao mòn”. Chúng ta không thể tìm được một từ nào chính xác hơn. Bước đầu người ta chẳng nhìn thấy điều gì ghê gớm cả. Con sâu ngự trị trong trái tim con người. Đó là nơi ta phải tìm kiếm nó. Cái trò chơi chết người đi từ trạng thái minh mẫn trước sự tồn tại đến sự chạy trốn khỏi ánh sáng ấy là cái chúng ta phải theo dõi và hiểu nó.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến một vụ tự sát, và nói chung những nguyên nhân tỏ ra rõ ràng nhất lại không phải là những nguyên nhân hiệu quả nhất. Rất hiếm khi người ta tự sát một cách có suy nghĩ kĩ(tuy nhiên giả thiết này vẫn không bị loại trừ). Cái điều gây ra cơn khủng hoảng gần như luôn luôn là cái không thể kiểm soát nổi. Báo chí thường nói đến những “nỗi buồn thầm kín” hoặc đến “căn bệnh không thể chữa khỏi”. Những sự lý giải như vậy có thể có giá trị. Nhưng ta cần phải biết liệu có phải vào đúng cái ngày đó có một người bạn của kẻ tuyệt vọng đã nói chuyện với anh ta bằng nột giọng dửng dưng không. Người ấy chính là kẻ có lỗi. Bởi vì điều đó có thể đủ để hối thúc mọi nỗi oán hận và mọi nỗi chán nản mà trước đây chúng vẫn còn bị gác lại
Nhưng, nếu như khó xác định được thời điểm chính xác và nước đi tinh tế trong đó linh hồn đánh cuộc vì cái chết, thì có một điều dễ hơn là rút từ chính cái hành vi tự sát những hậu quả mà nó giả định. Cũng giống như trong kịch bi lụy (mélodrame), tự sát, theo một nghĩa nào đó chính là thú nhận. Đó là việc thú nhận rằng kẻ tự sát đã bị cuộc sống bỏ rơi hoặc là anh ta không hiểu cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta không nên đi quá xa trong việc loại suy này để trở về với những từ ngữ thông thường. Đó chỉ là việc thú nhận rằng cuộc sống “không đáng sống”. Hiển nhiên, sống không bao giờ là một việc dễ dàng. Chúng ta phải tiếp tục thực hiện những hành vi mà sự tồn tại đòi hỏi, với nhiều lý do trong đó lý do đầu tiên là thói quen. Tự nguyện chết có nghĩa là người ta đã công nhận, cho dù là theo bản năng, tính chất đáng cười nhạo của cái thói quen đó, công nhận việc thiếu mọi lẽ sống sâu sắc, công nhận tính chất điên rồ của cuộc sống nhộn nhịp hằng ngày cùng tính chất vô ích của sự đau khổ.