Đây có lẽ là di cảo có giá trị nhất và công phu nhất của cụ Sào Nam Phan Bội Châu. Với nhan đề “Khổng Học Đăng” nhà chí sĩ tiền bối có ý đưa ra cái tinh hoa của nền Khổng học, một nền cổ học siêu việt đã chế ngự tư tưởng Đông phương.
Trong bộ sách này, Cụ Phan đã diễn giải tất cả những phần cốt yếu trong bộ Tứ Thư (gồm Luận Ngữ, Đại Học, Trung Dung, Mạnh Tử). Cụ trình bày mạch lạc kèm theo những thí dụ xác thực để người đọc có thể thấu đáo ý nghĩa trong lời nói của thánh hiền. Cụ đính chính những chỗ chú giải sai lầm của các tiên nho, sai lầm vì kiến thức bất cập hay vì cố ý xuyên tạc (nhất là của giới Tống nho). Cụ biện luận rành rẽ, lại nêu ra nhiều chứng tích Đông, Tây kim, cổ. Những câu trong sách cổ rất súc tích, chỉ thay đổi một dấu chấm câu, người ta có thể hiểu bằng nghĩa khác. Ngoài ra có những chữ có nhiều nghĩa, muốn hiểu cách nào tùy người đọc. Đấy là những điểm để cho các nhà phản nho lợi dụng xuyên tạc, và cũng là cớ để kẻ nông cạn hiểu lầm.
Đã đành rằng không có một học thuyết nào toàn bích, nhưng ít nhất những nhà chú giải phải vô tư, để nhận thấy những ưu điểm trong đó.
Trong lúc những trào lưu tư tưởng Âu Tây dồn dập tràn vào Việt Nam, nhiều nhà tân học bài bác nền học cũ là cổ hủ, trái lại các nho gia cho cái học mới là phù hoa. Cụ Phan nhận thức rằng: ‘Học cũ là nền tảng, mà học mới tức là vật liệu; hai bên vẫn có thể giúp cho nhau làm nên một tòa nhà hoa mỹ. Chẳng bao giờ không vật liệu mà làm nên nhà, và cần thứ nhất là chẳng bao giờ không nền tảng mà dựng được nhà”. Cụ muốn dung hòa cái học cũ với cái học mới. Cụ can đảm khêu sáng “ngọn đèn Khổng học” để thức tỉnh những kẻ lầm lạc.
Cụ Sào Nam khởi thảo bộ sách này năm 1929 sau khi cụ ở hải ngoại về nước, và sau nhiều lần khảo duyệt lại, đã hoàn tất vào năm 1936. Các tác phẩm của cụ lại bị chế độ cai trị sau đó cấm. Song cũng may tập di cảo này còn sót lại, cho chúng ta còn được thừa hưởng di sản tinh thần vô cùng quý giá.