Lập tức cha mẹ cô gái đến ngay Hakuin xin tha lỗi, chuyện xin lỗi dài dòng, và xin đem đứa bé về. Hakuin trao đứa bé và cũng thốt hai tiếng : “Thế à?”
Thiền sư đã đắc đạo thì sống nhân bản như vậy. Họ thấy cái họa cũng như cái phúc đều là cái không nên trong lòng không bao giờ buồn phiền. Họ luôn hạnh phúc. Phật mà vĩ đại là chính vì vậy, cũng là một cái không. Các đạo sĩ đã đắc đạo của nền Đạo học Lão – Trang cũng sống trong cõi giới tương tự như vậy, rất gần với Phật giáo, cũng luôn hạnh phúc, cũng hoàn toàn đủ trình độ “dĩ đức báo oán”, chứ không buồn rầu, phẫn uất khi bị họa, bị vu oan, rồi lấy oán báo oán như thường nhân. Đạo học, vì thế là một triết học, một nhân sinh quan, thế giới quan rất có giá trị, và từ bao đời nay nằm trong dòng chảy tư tưởng Việt Nam.
Tư tưởng Việt Nam xưa là tam giáo Nho, Phật, Lão. Nho với ngũ thường “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”, tứ đức “công, dung, ngôn, hạnh” , v.v… nhiều người biết, và phần lớn người Việt, cho dù hiện nay cũng thực hành. Với đa số người Việt, nói họ bất nhân, bất nghĩa, tất họ không chịu, tức họ chịu ảnh hưởng của Nho. Phật thì cũng phổ biến. Nhưng đối với Lão học thì chúng tôi ít thấy người bàn đến. Sách vở Lão học cũng ít. Người viết tuy đắc đạo Lão nhưng đọc quá lắm là 5 cuốn về Lão-Trang mà thôi. Nay thấy tình trạng hiếm hoi về sách Đạo học (tức Lão học, tức đạo Lão-Trang, học thuyết Lão-Trang), chúng tôi đem những kinh nghiệm, những kiến thức, những sở đắc của chúng tôi ra để phô diễn chân lý mà chúng tôi đã đi qua. Người đắc đạo, tức người thấy chân lý là người luôn hạnh phúc, không phụ thuộc vào ngoại cảnh, dù giàu hay nghèo, sang hay hèn, tác dụng thực tế rất mạnh.
Trong tập sách này chúng tôi nói gì thì nói, chỉ diễn lại học thuyết Lão-Trang theo cách hiện đại, với những câu chuyện, lập luận dễ thấy trong đời sống hằng ngày để độc giả nay không thấy học thuyết này là cái gì đó xa xôi, khó hiểu như đọc cổ văn của Lão tử và Trang tử…