Tác phẩm Bàn về tự do của John Stuart Mill (1806-1873) được xuất bản lần đầu tiên tại Anh vào năm 1859.
Người ta biết đến John Stuart Mill không chỉ như một nhà triết học thực chứng, mà còn như một nhà logic học, nhà kinh tế học, nhà chính luận và nhà hoạt động xã hội người Anh với các tác phẩm được nhiều người biết đến nhưHệ thống logic(2 tập, 1843 và được in lại nhiều lần),Lược khảo về một số vấn đề đang tranh luận trong kinh tế chính trị học(1830-1840),Các nguyên lý của kinh tế chính trị học(2 tập, 1848 và được in lại nhiều lần),Chính thể đại diện(1861),Chủ nghĩa vị lợi(hay công lợi, 1861-1863),A. Comte và chủ nghĩa thực chứng(1865),Bàn về tôn giáo(1874, in sau khi ông mất), v.v..
Bàn về tự do đề cập đến một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm, đó là quyền của các cá nhân trong mối quan hệ của họ với cộng đồng và với xã hội.
Toàn bộ nội dung tác phẩmBàn về tự dotoát lên quan niệm chủ đạo của tác giả cho rằng, tự do của mỗi người tìm thấy giới hạn của mình trong tự do của người khác; rằng, tự do xã hội là ranh giới giữa sự kiểm soát xã hội và sự độc lập của cá nhân. Đối với ông, mỗi người cần được tự do mưu cầu hạnh phúc riêng của mình “trong chừng mực ta không mưu toan xâm phạm đến hạnh phúc của người khác hoặc ngăn trở những nỗ lực của người khác đạt được hạnh phúc. Mỗi người là người bảo vệ chính đáng nhất cho sự lành mạnh của anh ta, dù là sự lành mạnh thân thể, tinh thần hay tâm linh”.John Stuart Millbảo vệ quyền của các cá nhân để họ được “sống hạnh phúc theo ý của họ, hơn là bắt họ sống hạnh phúc theo ý những người xung quanh”.
Sự tự do của con người được John Stuart Mill đề cập đến gồm: a) tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do thảo luận; b) tự do về sở thích, tự do đặt kế hoạch cho cuộc sống theo sự xét đoán của mình; và c) tự do hội họp.
Lý tưởng của John Stuart Mill là đem lại sự tự do cho từng người để có được sự phồn vinh của tất cả mọi người và cuối cùng là nhằm có được sự tiến bộ xã hội.
Mặc dùBàn về tự dođược John Stuart Mill viết cách đây đã gần một thế kỷ rưỡi nhưng có nhiều điều ông nói vẫn còn nguyên giá trị. Chẳng hạn, “điều mong muốn bấy giờ là người cầm quyền phải được đồng nhất với nhân dân, rằng quyền lợi và ý chí của họ phải là quyền lợi và ý chí của quốc gia”. Hoặc: “đa số dân chúng vẫn chưa học được chuyện cảm nhận quyền lực của chính phủ là quyền lực của mình, hay ý kiến của chính phủ là ý kiến của mình”.
Chúng ta cũng có thể tìm thấy trongBàn về tự docủa John Stuart Mill những nhận xét, những sự đánh giá mang ý nghĩa đạo đức, ý nghĩa giáo huấn bổ ích, những lời khuyên về việc phải hành động sao cho đúng, về phương pháp rèn luyện phẩm hạnh của con người. “Một người có thể làm điều xấu cho những người khác không chỉ bằng hành động của mình mà còn bằng cả việc không hành động nữa, trong cả hai trường hợp này, anh ta đều phải chịu trách nhiệm với họ về sự tổn hại gây ra”. Hoặc: “Nếu một người nắm công quyền, hay thậm chí một thường dân, nhận thấy có bất cứ chứng cớ nào của việc chuẩn bị phạm tội, thì họ không bắt buộc phải thụ động ngồi nhìn chờ cho tội ác được hoàn tất, mà có thể can thiệp để ngăn chặn nó”.
John Stuart Mill khẳng định rằng, không được coi thường phẩm chất đạo đức riêng tư cũng như các giá trị đạo đức xã hội, cho nên “công việc của giáo dục là phải chăm lo vun trồng cả hai mặt”. Để giáo dục đạt kết quả tốt thì bên cạnh việc dạy dỗ, thuyết phục còn cần “áp dụng cả biện pháp cưỡng bách”, nhưng “chỉ có thông qua phương pháp thuyết phục thì phẩm hạnh cá nhân mới bám rễ bền chắc”.
Cũng có thể tìm thấy trong phần trình bày đề tài tự do ý kiến về cách thức phải tôn trọng người đối thoại, tôn trọng chân lý nhưng không được giáo điều để dẫn đến làm mất sức sống, mất giá trị của những học thuyết, những tư tưởng mang tính chân lý. Đối với John Stuart Mill, “con người phải được tự do hình thành ý kiến và tự do bày tỏ ý kiến không chút giấu giếm”. Bởi vì, “bản chất con người không phải là cái máy được chế tạo ra theo một khuôn mẫu và nhằm làm đúng một công việc định trước, mà nó giống như cái cây cần được lớn lên và phát triển ra mọi phía tuỳ theo khuynh hướng của sức mạnh bên trong nó, cái sức mạnh làm cho nó là một sinh vật”. Quyền tự do chính là điều kiện văn hoá cần thiết cho sự phát triển và sự bộc lộ tài năng của con người không chỉ vì lợi ích của cá nhân con người, mà còn vì lợi ích lâu dài và sự phát triển bền vững của toàn xã hội.
Do được viết cách chúng ta đã gần một thế kỷ rưỡi cho nênBàn về tự docủa John Stuart Mill không tránh khỏi những hạn chế. Một trong những hạn chế đó là việc ông không bảo vệ sự bình đẳng của các dân tộc trong việc phải được tự do như nhau, nhất là việc các dân tộc bị áp bức, bị đô hộ không được ông bảo vệ tự do trong quyền tự quyết về chính trị. Đấy là một trong những mâu thuẫn mà John Stuart Mill không tự giải quyết được. Một hạn chế khác là ông quá tin vào sự tốt đẹp của tương lai nhân loại chỉ thông qua đối thoại và trải nghiệm, thông qua thảo luận tự do, thông qua phẩm chất tự biết sửa chữa sai lầm của con người. Lịch sử hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ XX và các cuộc chiến tranh khác đang diễn ra hiện nay chỉ cho chúng ta thấy rằng một niềm tin như của John Stuart Mill vào các phẩm chất trên là chưa đủ để đảm bảo cho tương lai tốt đẹp của nhân loại, mặc dù đó cũng là đòi hỏi của thời đại toàn cầu hoá mà chúng ta đang sống. Loài người còn cần phải có những hành động cụ thể, thiết thực nhằm ngăn chặn những ai và những gì đi ngược lại lý tưởng của nhân loại là tự do, bình đắng, bác ái và được sống trong hạnh phúc.
Biết chắt lọc những gì là có ích trong kho tàng văn hoá của nhân loại để phát triển văn hoá tư duy, để làm giàu cho trí tuệ của mình là cách thức mà xưa nay các dân tộc văn minh đều thực hiện. Đó cũng chính là điều mà Ph. Ăngghen đã nhắc nhở chúng ta trong tác phẩmBiện chứng của tự nhiêncủa ông: “Một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận v.v… Nhưng tư duy lý luận chỉ là một đặc tính bẩm sinh dưới dạng năng lực của người ta mà có thôi. Năng lực ấy cần phải được phát triển hoàn thiện, và muốn hoàn thiện nó thì cho tới nay, không có một cách nào khác hơn là nghiên cứu toàn bộ triết học thời trước”