Có thể nói sự tồn tại “Thần trụ trời”, “cột chống trời”, “cây chống trời” hay “cây mọc thẳng lên đến trời là hiện tượng độc đáo chỉ có trong cộng đồng cư dân người Việt cổ. Chưa cần xét sâu đến các đặc tính văn hóa, nếu như có một nét chung của các sắc dân từ dãy Ngũ Lĩnh đến tận Nam Trung Bộ Việt Nam thì dễ nhận biết nhất có thể nói là nhóm thần thoại về “Thần/Cột/Cây trụ trời”. Trong Tuyển tập văn chương nhi đồng [1], có đoạn viết về đánh giá của giáo sư Trần Ngọc Ninh:
Trong tín ngưỡng của dân Lạc cổ, hay đúng hơn của những người thuộc nhiều sắc dân nhưng gần chung một văn hóa qua các huyền thoại ở khu vực nằm giữa Ngũ lĩnh và Hoành sơn, thì sau khi Trời Đất phân chia, vũ trụ đã được tổ chức quanh một cái cột thông liền ba cõi thế gian Trời-Đất-Người. Bốn phương được định, mặt đất được tổ chức, sự phân biệt đất sống và đất linh cho phép các bộ lạc làm ăn, sinh sống dưới bóng linh thiêng.
Cũng trong sách đã dẫn có liệt kê một số câu chuyện liên quan đến Thần/Cây/Cột Trụ trời như sau:
Thần thoại Việt nam có truyện “Thần Trụ Trời”. Núi Tản Viên là một nơi khác cũng được coi là một cột chống trời, đệ nhất cao sơn của Việt nam, nơi trời đất thông nhau, Sơn Tinh ngự ở đó. Trong huyền thoại Chử Đồng Tử ở đồng bằng ven sông, trên bãi không, cắm cái gậy xuống đất, úp nón lên, thành biểu tượng của cột chống trời, linh thiêng hiển hiện, đất cấm trở nên ở được, trù phú.
Người Phủ Nội cho rằng cây chống trời là cây song Khưa-khao-cát mọc ở hồ Nong-khu (Điện Biên Phủ).
Thần thoại Thái có cây song Chuốc-khao-cát làm đường đi lại giữa trời và đất. Hai thiên sứ Tao Suông và Tao Ngân khi xuống mặt đất sau nạn Hồng thủy cũng có mang theo tám quả bầu và tám gậy đồng Sao-cam-pha (gậy chống trời).
Thần thoại Mèo thì dân chúng nhớ thiên đường Giu Giang Ka bèn rủ nhau xây tháp làm đường lên trời.
Thần thoại Mường kể rằng bộ hạ Lang-Đa-Cần đã phải vất vả lắm mới kiếm được cây Chu-đồng linh thiêng đem về làm trụ kình thiên cất cung điện.