Hưng-đạođại-vương Trần Quốc-Tuấn chẳng những là một vĩ-nhânViệt-nam, mà lại là một danh-nhân trên mảnh đại-lụcĐông nam Á từ thế-kỷ mười ba đến giờ nữa.
Đối với lịch-sử Việt-nam, ngài là một đại-anh-hùng dân-tộc, có công quét sạch giặc Nguyên [1] xâm-lược, giữ vững tự-do, độc-lập cho nhân-dân, bảo-vệ chủ-quyền lãnh-thổ cho Tổ-quốc : trên nối được giòng máu truyền-thống của Trung-vương, Lý-Bôn, Triệu Quang-Phục, Phùng-Hưng, Ngô-Quyền, Lê-Hoàn, Lý Thường-Kiệt… dưới treo được tấm gương tranh-đấu cho Đặng-Dung, Nguyễn-Súy, Lê-Lợi, Nguyễn-Trãi, Quang-trung…
Ngài là kết-tinhcủa cả Việt-nam, một dân-tộc có sức đấu-tranh dai dẻo, bền-bỉ, không chịu khuất-phục dưới bất cứ một ách cường-quyền đô-hộ nào hoặc bó tay cúi đầu trước bất cứ một cuộc xâm-lược công-khaihay trá-hình nào.
Công-nghiệp ngài đã đi sâu vào dân-chúng. Tên tuổi ngài đã sống mãi với non-sông. Vậy sao còn cần đến cuốn tiểu-sử này ? Là vì võ-công,văn-nghiệp của ngài, trước kia, người mình chỉ chép toàn bằng chữ Hán, mà lại tản mát chưa có hệ-thống ; gần nay, tuy có một vài cuốn sách, tờ báo quốc-ngữ nói đến, nhưng hãy còn sơ-lược chưa đủ hoặc truyền văn thất chân.
Vả, lối dân-chúng « thần thánh hóa » các bậc vĩ-nhân lại làm cho một số người hiểu đức Trần Hưng-Đạo theo một phương diện khác, một ý-nghĩa khác.
Vậy xin cố-gắng tra-cứu sử sách Nam Bắc, sưu-tầm tài-liệu xưa nay, làm thành cuốn TRẦN HƯNG-ĐẠO này, mong đi tới mấy mục-đích đã đặt :
1) Giới-thiệu cho các bạn nam-nữ thanh-niên biết rõ hơn về một nhân-vật lịch-sử, văn-võ toàn-tài ; chống ngoại-xâm, giành độc-lập ;
2) Bổ thêm đôi chút vào những chỗ khuyết trong các sử sách ta xưa nay đã chép về đức Trần Hưng-đạo ;
3) Nhắc lại những kinh-nghiệm trong mấy cuộc kháng-chiến Mông-cổ do anh-hùng Trần Quốc-Tuấn lãnh-đạo
4) Lấy Trần Hưng-đạo làm đối-tượng nghiên-cứu lại lấy lịch-sử đương-thời làm bối-cảnh, cung chút tài-liệu cho văn, sử-học sau này.
Nếu mấy mục-đíchấy đạt được thì thật là một sự khuyến-khích lớn cho kẻ viết.