Đó là câu nói cuối cùng của Lập Nham, sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên. Kết thúc hành trình cuộc đời 32 năm. Ông quyết định lấy hồn mình tiễn đưa nghĩa quân.
Lương Ngọc Quyến (1885-1917) hiệu Lập Nham, là con ông Lương Văn Can (người cùng với 2 cụ Phan lập ra trường Đông Kinh Nghĩa Thục).
Lập Nham thông minh từ nhỏ, nổi tiếng học giỏi, sớm tối miệt mài với chồng sách cũ, dũa vần gọt chữ mong có ngày “tranh khôi đoạt giáp”. Sau vì đọc nhiều Tân thư của thầy trò Khang Hữu Vy, Lương Khải Siêu mà từ bỏ khoa cử, không thèm đoái hoài, thương tiếc chút nào.
Sinh thời Lập Nham vẫn thường nói với anh em, “Pyotr Đại đế là vua nước Nga còn vứt bỏ vinh hoa phú quý mà đi làm thợ ở nước ngoài, học lấy kỹ thuật của phương Tây, huống chi là mình! Lại coi như Nhật Bản duy tân tự cường mà được như bây giờ, cũng là nhờ Phúc Trạch Dụ Cát, Y Đằng Bác Văn.. lẩn lút trốn ra nước ngoài, học thành tài mà trở về giúp nước. Tôi xin đi trước anh em, làm con tốt đầu xuất dương khổ học”.
Thế là Lập Nham bái biệt cha mẹ, làm giấy cho phép vợ cải giá, lìa xa đứa con còn non tuổi mà đi. Đó là năm 1905, khi Lập Nham vừa tròn 20 tuổi.
Rời bỏ Hà Nội, theo hướng Hương Cảng sang Nhật Bản, “không có hành lý gì khác hơn bộ áo cũ kỹ đang mặc trong người”, Lập Nham tìm gặp cụ Phan Bội Châu. Trở thành người học sinh Đông Du đầu tiên.
Tác phẩm của cụ Đào Trinh Nhất, “Lương Ngọc Quyến và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917” kể chi tiết về cuộc đời cụ Lập Nham. Lối văn của cụ Đào Trinh Nhất sáng sủa, sinh động mà gần gũi, thân mật. Nếu bạn đang tìm hiểu về phong cách văn học của những nhà Nho xưa, đây thực là một tác phẩm bạn không nên bỏ lỡ.
Trong tác phẩm kể tường tận, quá trình cụ Lập Nham học tập ra sao? Giai đoạn Nhật – Pháp ký kết hiệp ước về kinh tế, học sinh Việt Nam bị trục xuất khỏi Nhật, nhờ sự giúp đỡ của vài người bạn, các cụ đã trở về Trung Hoa làm giả hộ chiếu, cải trang thành người Trung, và quay trở lại thế nào? Để rồi trở thành người đỗ đầu trong kỳ tốt nghiệp.
Đường Kế Nghiêu, sau này là đô đốc Vân Nam, oai quyền lừng lẫy, danh chấn một phương, là bạn đồng học và cùng thi ra với ông cùng một khoa ấy. Chỉ khác nhau ở quê hương và thời thế, mà về sau một người có đất dụng võ, một người không.
Sau khi tốt nghiệp, ông rời Nhật Bản, đến Trung Hoa. Nhờ sự giới thiệu của bạn học cũ, giấy tờ lại mang quốc tịch Trung Hoa, ông đến Quảng Đông, được bổ nhiệm chức Đại úy, chỉ huy cánh quân hơn ngàn người, đảm nhận việc diệt trừ thổ phỉ đang hoành hành khắp vùng Nam đường – Tam thủy.
Ngót một năm xong pha hiểm trở, vào tận sào huyệt thổ phí, nhiều lần tính mệnh nguy kịch, ông được thăng làm thiếu tá, coi một lữ đoàn lục quân. Thời đó, người Việt Nam trong hàng ngũ cách mạng Tàu không phải chỉ có mình ông, nhưng tất cả đều nhận ông là người hơn cả.
Năm 1914 Lập Nham về nước gây cơ sở cách mạng tại Nam Kỳ. Bị thực dân Pháp truy nã, từ Sài Gòn ông lẩn lút lên tàu đi Hương Cảng. Cập bến, ông vào ngụ nhà một người quen, lên kế hoạch đi Xiêm. Bỗng tảng sáng, lính mật thám Anh ập vào, ông bị bắt trao cho thực dân Pháp, giải về Việt Nam.
Năm 1917, khi đang ngồi tù ở Thái Nguyên, ông lập kế cùng Đội Cấn mưu việc khởi nghĩa. Quân Pháp bị khốn trong thời gian đầu, sau phản kháng, nghĩa quân buộc phải rút khỏi thành. Lập Nham tự vẫn. Nghĩa quân rút về Tam Đảo, cầm cự được hơn 5 tháng. Sau cùng Đội Cấn tự sát, nghĩa quân tan rã, phần đông những người còn sống bị đày ra Côn Đảo.
Thật không ngoa khi nói rằng, lịch sử của Việt Nam được viết nên bằng máu. Thời nào nước yếu cũng phải chịu tủi nhục. Khi xưa dân ta không có quyền hành gì, mọi việc đều do vua quan định đoạt, thế nước lên hay xuống đều phụ thuộc vào họ cả. Hiện tại đất nước dân chủ còn hạn chế, nhưng mỗi người chúng ta đều được quyền theo đuổi con đường riêng của mình. Hãy vẽ nên một Việt Nam thật đẹp!