Cuốn sách Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc (The Park Chung Hee Era) được NXB Đại học Harvard xuất bản lần đầu vào tháng 4/2011. Và năm 2015, tức là 4 năm sau lần đầu tiên ra mắt, chúng tôi vô cùng vui mừng khi cuốn sách này được dịch sang tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam.
Cuốn sách Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc do Giáo sư danh dự Ezra F. Vogel của Đại học Harvard và Giáo sư Kim Byung-kook của Đại học Hàn Quốc đổng chủ biên, với sự tham gia của 19 giáo sư, nhà nghiên cứu Hàn Quốc. Cuốn sách đã đề cập tới nhiều chủ đề đa dạng và đưa ra nhiều quan điểm liên quan tới các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, ngoại giao, kết hợp với việc nghiên cứu đối chiếu với các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, các quốc gia Nam Mỹ trong thời của Tổng thống Park Chung Hee. Cuốn sách được biên soạn công phu và tổng hợp từ các công trình nghiên cứu của nhiều nhà nghiên cứu thuộc nhiêu lĩnh vực khác nhau, do đó khó tránh khỏi việc tổn tại những ý kiến, quan điểm khác nhau giữa các học giả.
Cuốn sách này đã làm rõ được chủ đề lớn nhất, đó chính là sự phát triển vượt bậc của Hàn Quốc trong kỷ nguyên Park Chung Hee. Rất nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã gọi sự phát triển vượt bậc của Hàn Quốc – quốc gia đầu tiên trên thế giới đi lên từ bân cùng, nghèo đói trở thành một trong những quốc gia phát triển hàng đầu chỉ trong vòng 50 năm, là “kỳ tích sông Hàn”.
Vào thời điểm năm 1960, Hàn Quốc là một quốc gia nghèo trên thế giới với GDP bình quân đầu người là 79 USD, 50% ngân sách quốc gia phụ thuộc vào nguồn viện trợ bên ngoài và được xếp vào danh sách những nước cần được viện trợ khẩn cấp hay quốc gia có nền kinh tế đóng băng; thì đến năm 1996, Hàn Quốc đã gia nhập OECD, trở thành thành viên của G20 năm 2012 và đứng thứ 14 thế giới về quy mô nền kinh tế vào năm 2013 (GDP đạt 1,3045 nghìn tỷ USD), mức độ tăng trưởng kinh tế tăng lên 480 lần chỉ trong chưa đầy nửa thế kỷ, trở thành quốc gia độc lập hiếm hoi sau thế chiến thứ hai gia nhập vào nhóm 20-50 (nhóm các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người đạt 20.000 đô-la, tổng dân số 50 triệu người). Có thể nói rằng, để lý giải sự phát triển nhảy vọt và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng như vậy của Hàn Quốc, không thể không nhắc tới vai trò lãnh dạo của Park Chung Hee.
Ở Park Chung Hee hội tụ đầy đủ các yếu tố của một nhà lãnh đạo chuyển đổi, đó là khả năng dẫn dắt, lòng nhiệt huyết, năng lượng, tinh thần đối đầu với thử thách, đồng cảm, dộng lực, cống hiến cam kết và tâm nhìn. Nhưng trên hết, cốt lõi trong phong cách lãnh đạo Park Chung Hee vẫn là thuật dụng người. Bởi chính sự lựa chọn sáng suốt và việc đặt niềm tin vào các bộ trưởng và nhà tham mưu trong Nhà Xanh của ông đã giúp Hàn Quốc có được những thay đổi nhảy vọt vả thành quả vượt bậc. Bên cạnh đó, Park Chung Hee còn cho thấy khả năng lãnh đạo sáng suốt trong việc cho phép một số nhà chuyên môn trong các lĩnh vực đặc thù tham gia vào việc xây dựng đường lối chính sách và trở thành động lực thúc đẩy hoạt động của bộ máy chính phủ.
Hiện nay, Việt Nam đang gây ấn tượng và thu hút được sự quan tâm của toàn thế giới bởi tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng. Tôi hy vọng rằng qua cuốn sách này, các nhà lãnh đạo trong các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị của Việt Nam sẽ rút ra được bài học cho chính mình từ phong cách lãnh đạo của Park Chung Hee và kinh nghiệm phát triển đất nước của Hàn Quốc để góp phần vào quá trình xây dựng xã hội Việt Nam phát triển ổn định, giàu đẹp.