Bài 1: TỪ CHÍNH SỬ ĐẾN DÃ SỬ…
Bài 2: DÃ SỬ – MỘT CÁI NHÌN QUY CHIẾU VÀO TƯ LIỆU TRUNG QUỐC VÀ VIỆT NAM
Bài 1: TỪ CHÍNH SỬ ĐẾN DÃ SỬ…
(05 tháng 04 năm 2007)
Cicero (106-43 trước Công-Nguyên), một nhà hùng biện kiêm chính trị gia lừng danh thời cổ La mã đã có nói: “Lịch sử là thầy dạy của cuộc đời” (Historia, magistra vitae). Câu nói này vốn để lại nhiều suy gẫm về ý nghĩa cho biết bao thế hệ từ đó cho đến ngày hôm nay. Bài học lịch sử là bài học kinh nghiệm đúc kết qua thời gian, kinh qua bản thân mình hay tha nhân, bạn cũng như thù, người xưa cũng như người nay. Bài học đó được viết đi viết lại dưới nhiều hình thức của văn chương, qua nhiều nhãn quan và cảm hứng tùy theo trình độ của người viết, môi trường họ được nuôi dưỡng và huấn luyện, dạy dỗ và lớn lên, trưởng thành để thâu thái kinh nghiệm. Bài học lịch sử không vì ảnh hưởng của giới tính, tuổi tác, chủng tộc hay tôn giáo của tác giả mà mất đi giá trị nội tại của nó nhưng trái lại nó đã hiện diện như một thực thể không cần chứng minh cũng tựa như bầu khí ta đang thở không thấy mà vẫn có, và vẫn trường tồn bất diệt mà mọi người đều có thể tự do sử dụng, tha hồ học hỏi, giống như lời thi hào Tô Đông Pha nói trong bài phú Tiền Xích Bích của văn học cổ Trung Hoa: “thủ chi vô cấm, dụng chi bất kiệt” (lấy mà không cấm, dùng mà không hết). [1]
Đối với dân tộc Việt nam, các biến cố lịch sử đã được ghi nhận qua từng triều đại dưới các ngòi bút thuộc nhiều quan điểm khác nhau hay thuộc nhiều trường phái khác biệt đôi khi chống phá lẫn nhau [2] cho nên việc tìm hiểu giá trị của các khuynh hướng sử học xuyên qua cung cách, bút pháp, quan điểm ghi lại các biến cố thời đại luôn luôn vẫn là điều cần thiết. Sử học là một khoa học nhân văn so trong chương trình giáo dục của Việt Nam trước đây vẫn còn khá mới mẻ, bởi vì cách đây hơn một nửa thế kỷ, chúng ta vẫn còn phải học câu “Nos ancêtres sont des Gaulois” (tổ tiên của chúng ta thuộc giống Gôloa) [3]. Có nhiều khuynh hướng viết lịch sử, theo nhiều thể loại, với các dụng tâm khác nhau cho nên việc góp ý về một vài vấn đề lịch sử vốn đã từng bị hiểu lệch lạc, sai lầm xét ra cũng có tác dụng làm phong phú thêm kho tàng tư liệu sử học… (**) Tuy nhiên, do ý thức bén nhậy và nỗ lực tìm hiểu sự thật của các tầng lớp trí thức trẻ tuổi, chắc chắn họ sẽ tiếp cận được với chân lý của lịch sử bao lâu họ có quyết tâm tìm về các nguồn sử học chân chính, tìm hiểu thực chất của các khuynh hướng biên soạn lịch sử nước nhà, phân tích được giá trị của các nguồn tư liệu, sử phẩm có trong thư viện hay được dùng trong chương trình giáo dục của nhà trường với tinh thần vô tư, khoa học…
———–
Ghi chú của Goldfish:
(*): Tựa do chúng tôi tạm đặt. Rất mong tác giả miễn thứ về việc đặt tựa và ghép 2 bài viết nêu trên.
(**): Chúng tôi tạm lược bỏ một đoạn. Rất mong tác giả và bạn đọc miễn thứ.