Ngày xưa, có một nhà chỉ có hai mẹ con. Người mẹ già yếu, không đi nương rẫy làm được nữa. Cô gái rất thương mẹ, suốt ngày chăm chỉ làm lụng nuôi mẹ già.
Năm ấy hạn hán to, mất mùa đói kém xảy ra. Cô gái và mọi người trong làng đổ dồn về làm thuê cho lão nhà giàu trong vùng.
Lão bắt mọi người làm việc cả ngày nhưng chỉ cho ăn một bát cơm độn với rất nhiều ngô sắn. Mỗi ngày cô ăn nửa bát cơm, còn nửa bát cô gói mang về cho mẹ.
Ban đêm, cô phải ngủ cạnh kho lúa canh chuột. Một đêm, vừa chợp mắt thì cô nghe thấy tiếng thở dài, rồi một giọng dịu dàng: “Ta là Tiên gạo đây. Ta đã nhầm khi giúp lão keo kiệt kia, có của mà không biết thương người. Lão xưa kia nghèo khổ, nhưng thương người nên ta giúp hắn trở nên giàu có. Nhưng càng giàu hắn càng thay đổi tính nết, đâm ra tham lam độc ác. Rồi ta sẽ trị lão thích đáng”.
Khi nương lúa vàng ươm, chỉ còn đợi gặt. Lão sợ người làm trộm lúa nên đuổi hết thảy mà chẳng trả một xu. Bỗng nước từ đâu ào tới tràn ngập nhà lão, lúa má trên nương dưới ruộng đều bị cuốn sạch. Sau đại hạn, mưa thuận gió hòa, khắp nơi được mùa. Trong khi đó lão nhà giàu gọi người làm nhưng không ai đến. Họ bảo nhau tránh xa lão tham lam keo kiệt. Lão khánh kiệt, không còn nổi bát cơm ăn.
Cô gái lại vào rừng đào củ, hái măng, tần tảo nuôi mẹ già. Một hôm vừa ra đến cửa rừng thì gặp bà lão ăn mày. Bà cụ run lẩy bẩy vì rét, miệng rên hư hử: “Tôi… mệt… Tôi… đói!”. Cô vội vàng vơ lá đốt lửa sưởi, nướng măng cho bà ăn. Bà cụ nhai ngon lành, hết cái măng thì kêu khát nước. Cô liền xách ống tre ra suối lấy nước. Trở lại, chẳng thấy bà cụ đâu. Chỉ thấy cái gùi không. Cô bèn đeo gùi về định hôm sau trả lại, nhưng mãi chẳng gặp lại bà cụ. Cô đành cất gùi lên gác bếp.
Kỳ lạ thay, đi làm về, cô lại thấy trong gùi có đầy thóc. Thì ra đó là những hạt ngọc nuôi sống con người mà bà tiên đã ban tặng cho cô. Cô gái mang thóc cho mọi người làm giống. Dân trong làng chẳng bao giờ biết đến cái đói cái rét nữa. Từ các cụ già đến trẻ con, ai cũng tấm tắc khen cô gái đẹp người lại đẹp nết.