Đã lâu lắm rồi, không còn ai nhớ năm tháng nào nữa, có một thanh niên dân tộc Mèo tên là A-páo. Cha mẹ mất sớm, A-páo phải dắt em đi xin ở đợ cho một gia đình giàu có. Nhưng gia chủ từ chối.
Buồn quá, A-páo đành phải dẫn em lang thang khắp chốn để đào củ mài nướng ăn. Đêm về, hai anh em ôm nhau ngủ trong hang đá. Một sớm nọ, mặt trời chưa mọc, cây cỏ, núi đồi đang chìm đắm trong biển sương mù thênh thang. A-páo đã phải thức dậy dẫn em đi đào củ mài. Bỗng trên đường đi, A-páo trông thấy một con chó sói đang cỡi trên bụng cụ già mặc quần áo đỏ, và sắp sửa rút ruột nạn nhân để ăn. Nhanh như cắt, vớ vội thanh gỗ lớn, A-páo liền chạy ngay đến định đánh chó sói thì nó đã chạy đi chỗ khác. A-páo nâng cụ già dậy và ái ngại, hỏi:
– Cụ có sao không? Cụ già chỉ lắc đầu mà không đáp. A-páo hỏi tiếp:
– Cụ đi đâu sớm thế?
– Cũng như các cháu! Ông cụ vừa trả lời vừa phủi áo đi thẳng. A-páo chẳng thấy phiền hà gì, lại dẫn em đi. Cố công đào củ mài mà chẳng tìm thấy, đến khi mặt trời đứng bóng, A-páo mới đào được một củ nhỏ bé.
Đói quá, A-páo nhóm lửa nướng ăn. Lúc này, cụ già mặc áo đỏ lại lững thững bước tới, tay xoa bụng, mồm lẩm bẩm:
– Đói quá! Trời ơi, đói quá! Nhìn dáng thiểu não của cụ, A-páo động lòng thương hại, vội dập tắt lửa, lấy cụ mài mời cụ:
– Chúng cháu không có cơm gạo gì, có củ mài đây, mời cụ ăn tạm đỡ đói… Cụ già đưa tay cầm lấy và ngấu nghiến ăn. Em của A-páo hỏi:
– Cụ có nhà ở không?
– Cũng như các cháu! Ông cụ trả lời rồi lại tiếp tục ăn.
– Vậy cụ theo cùng chúng cháu nhé! A-páo nói.
– Nhưng lão không đào được củ mài đâu. Lão vô tích sự lắm!
– Cụ đừng nói thế! Đã có cháu lo! A-páo vừa nói vừa đứng dậy, đi đào thêm củ mài. Đến khi mặt trời sắp lặn, A-páo dào thêm khá nhiều củ mài. Trở lại chỗ cũ, chỉ thấy em ngồi một mình, A-páo bèn hỏi:
– Cụ già đâu? Người em nói:
– Cụ ấy đi rồi. Sao anh đi lâu thế?
– Anh phải đào ở một nơi xa. Thế cụ đi đâu?
– Cụ không bảo gì cả, em làm sao biết… À, cụ gởi cho anh cái này. Vừa nói, người em vừa trao cho A-páo một thanh đá trắng. Cầm thanh đá trắng trên tay, A-páo nói một mình:
– Đá này dùng vào việc gì bây giờ? Ông cụ khó hiểu thật! Ước gì gặp ông cụ để hỏi cho tường tận… A-páo vừa nói dứt câu thì bỗng đâu cụ già xuất hiện trước mặt hai anh em. Lần này, cụ có vẻ cốt cách của một ông tiên, cụ nói:
– Thanh đá này quý lắm. Ta cho hai cháu vì hai cháu hiền từ và giàu lòng thương người. Ở hiền gặp lành, ở dữ gặp ác: tình đời là vậy! Nhìn A-páo một lúc lâu, cụ già thong thả nói tiếp:
– Thanh đá này giúp cháu thỏa mãn hai điều mơ ước. Nó đã thực hiện giùm cháu điều ước thứ nhất. Bây giờ còn lại một điều cuối cùng. Cháu hãy suy nghĩ kỹ đi rồi hãy nói… Cụ già nói đến đây thì biến mất.
Hai anh em A-páo cúi xạp mình xuống đất, lạy lấy lạy để khắp bốn phương trời.
Tay mân mê thanh đá quý, A-páo ngẫm nghĩ một hồi, rồi thong thả nói:
– Nếu đá thương anh em tôi thì làm ơn thực hiện giùm tôi được sức khỏe dồi dào. Sức khỏe cần lắm, quý lắm! Không có sức khỏe làm sao tôi nuôi được em tôi? Quả nhiên điều ước cuối cùng của A-páo trở thành sự thật.
Người chàng tự nhiên nghe rần rần: tay chân bỗng dưng nở lớn, lồng ngực căng phồng. A-páo vô tình bóp tay, viên đá tan thành từng mảnh vụn, nhỏ và nhẹ như bụi bay. A-páo biết là thanh đá quý lại trở về tay ôn cụ già hồi nãy bởi vì hai điều ước của chàng đã được thỏa mãn. Một lần nữa, A-páo cùng em lạy tạ ơn tiên. Trước đây, A-páo làm quần quật suốt ngày mà chỉ phát được khoảng nương đủ cho ba dây bí bò.
Từ khi có thêm sức khỏe, A-páo càng làm càng khỏe, không hề biết mệt. Mỗi sáng chàng có thể phát nương rộng ra tới 40, 50 cân bắp giống. Ngoài ra A-páo còn thừa sức trồng được đồi bí bát ngát. Nhờ có sức khỏe, A-páo thu hoạch được khá nhiều lợi tức, không còn phải sống lang thang nghèo khó, xác xơ như trước nữa.
Lúc này, chàng nghĩ tới chuyện dựng nhà để ở. Nghĩ thì làm liền: ngày ngày A-páo vào rừng đốn gỗ một cách hăng say và thích thú. Một hôm đang cắm cúi đốn gỗ thì A-páo bỗng nghe tiếng khì khì ở đàng sau, tiếp đó là câu nói:
– Chú tiều phu tí hon ơi! sức chúc không đáng một nhúm, cớ sao dám phá nhà của ta? A-páo quay lại thấy một con voi khổng lồ đang đứng sừng sững sau lưng. Không một chút sợ hãi, A-páo dõng dạc nói:
– Ta muốn làm nhà to, ắt phải chặt cây lớn. Ai biết đâu nhà của ngươi? Chú voi khổng lồ cuộn vòi lên, thách thức:
– Này chú, chú muốn lấy gỗ cũng được, nhưng trước hết hãy đọ sức với ta chút đã. Nếu chú thắng cuộc, ta sẽ mang gỗ ấy về tận nhà chú. Ngược lại, nếu chú thua thì… Nói chưa dứt lời, chú voi khổng lồ đã đến sát bên A-páo.
A-páo bình tĩnh nhảy phắt lên cây.Voi lấy vòi cuộn cây, nhổ lên dễ dàng như nhổ một cây đậu mới đâm chồi xanh. A-páo nhanh nhẹn nhảy xuống ngồi chễm chệ trên lưng voi, quát:
– Voi! Ngươi thua trí ta rồi đó! Người hãy dắt cây gỗ lớn kia về nhà cho ta! Voi ngần ngừ chưa chịu đi. A-páo nhanh nhẩu nói:
– Ta đồng ý là ngươi mạnh, nhưng mạnh chưa đủ, mà phải cần thêm trí khôn nữa. Không có trí khôn thì sức mạnh chỉ bằng thừa. Ngươi nên nhớ điều này: người chỉ huy không cần sức mạnh, mà cần có trí khôn…
Voi nghe A-páo nói một cách chăm chú. Một lúc sau, voi hỏi:
– Thế thì trí khôn dùng để làm gì? Có giết được ai đâu!
– Ngươi lầm rồi! – A-páo trả lời; có sức mạnh, ngươi chỉ có thể đánh bại đối thủ của ngươi, nhưng nếu có trí khôn, người có thể điều khiển đối thủ và biến đối thủ thành đồng minh, biến thù thành bạn…
Voi nghe mà không nói gì nữa, hậm hực giậm chân như ngụ ý bảo A-páo chỉ đường cho voi cùng về. Rõ ràng là voi vẫn chưa phục A-páo! Biết thế, A-páo vội nhảy xuống đất, đứng trước mặt voi, nói chuyện để gây cảm tình của voi:
– Voi à! Chú đừng hậm hực thế! Tôi đâu nói tôi mạnh hơn chú! Thâm tâm tôi vẫn phục chú cơ mà! Nhưng này! Voi không nên ỷ mạnh để hiếp tôi! Lấy mạnh hiếp yếu là hành động xấu lắm! Tại sao chúng ta không thể là đôi bạn chân tình?! Lời nói ngọt ngào của A-páo làm thỏa mãn tự ái của voi. Voi khoái lắm, nên chịu làm bạn với A-páo.
Thế là voi dùng sức mạnh của nó để giúp chàng mang gỗ về nhà. Ngồi trên mình voi, A-páo không ngớt nói chuyện cùng con thú khổng lồ; nhờ thế đường dài hóa ngắn vì cả hai vui chuyện mà quên mệt, và quên ngoại cảnh xung quanh.
Từ khi có voi làm bạn, công việc xây cất nhà cửa được tiến hành tốt đẹp và nhanh chóng. Chẳng bao lâu, nhà cất xong. A-páo để cho voi ngủ dưới nhà sàn. Chỗ ở của voi cũng sạch sẽ, khang trang nên voi khoái lắm. Nhờ có voi trợ lực nên công việc ở rẫy bí càng thêm thu hoạch được hoa màu.
Vì thế chẳng mấy lúc, A-páo sống sung túc, giàu có. Nhưng ngờ đâu, chính vì cuộc sống sung túc hiện tại của anh em A-páo lại là nguyên nhân khiến cho tên giàu có trong làng tên là Y-Pút ghen tỵ ngấm ngầm. Lòng dạ nó nham hiểm hơn rắn rít; nó không ngớt đợi dịp để phá A-páo… Và dịp đó đã đến.
Số là bữa nọ, A-páo cùng chú voi khổng lồ ra nương sớm. Chỉ có một mình em A-páo ở nhà. Đang đi được nửa đường thì tự nhiên A-páo thấy mặt trời dao động, rồi vun vút bay qua những làn mây đục, được một lúc thì biến mất. Sau đó, từ trên trời nước rơi xuống ào ào, và tiếng la vang động cả núi đồi.
Khi nước ngừng rơi, tiếng la ngừng bặt thì tự dưng A-páo thấy đầu nhức nhối khó chịu, chân tay bải hoải mỏi mệt lạ thường. Biết là điềm gở, A-páo cùng voi hối hả quay về. Chưa về đến nơi, A-páo đã thấy em đang ngồi trên một tảng đá khóc tức tưởi. A-páo và voi cùng hỏi một lượt:
– Sao lại bỏ nhà ra đây ngồi khóc? Ngừng khóc, người em nhìn A-páo, nói:
– Anh ơi, nhà mất rồi! A-páo và voi cùng ngạc nhiên, hỏi gấp:
– Sao? Nhà mất rồi? Sao nhà lại mất? Nói mau đi, em! Người em vừa nức nở vừa kể: khi A-páo và voi đi nương được một lúc, tên nhà giàu Y-Pút đã đem theo bọn thuộc hạ của nó đến đánh em và cướp nhà rồi. A-páo nghe xong ruột gan sôi lên sùng sục. Căm giận Y-pút, A-páo nói với chú voi khổng lồ:
– Này bạn voi à! Chẳng lẽ chúng ta mất nhà vô lý như vậy sao? Ta phải cướp lại mới được! Chú voi gật đầu đồng ý. Thế là cả hai anh em A-páo đều ngồi trên lưng voi, tiến về nhà. Voi cũng căm giận lắm, để hả giận, nó vừa đi vừa lấy vòi nhổ những thân cây bên đường, ném xuống đất kêu rầm rầm long trời lở đất.
Đi được một quãng đường, cả ba dừng lại: Trước mặt họ, một cụ già chống gậy bước tới. Nhận ra đúng là vị Tiên dạo nọ, hai anh em A-páo vội vàng nhảy xuống đất lạy Tiên lia lịa. Tiên ra dấu cho hai anh em ngừng lạy, rồi ôn tồn nói:
– Hai cháu và chú voi kia đi báo thù tên gian ác đấy à? Phải lắm! Nhưng để tăng thêm sức mạnh cho hai cháu, ta cho cái này… Nói đến đó, Tiên đến bên A-páo trao cho chàng chiếc gậy.
A-páo biết là gậy thần nên quý lắm, vội rủ em và voi lạy tạ ơn Tiên.
Khi cả ba ngớt lạy, ngẩng nhìn lên thì Tiên không còn nữa. A-páo đưa gậy thần cho em giữ, lòng hí hửng vì biết rằng, với chiếc gậy thần này, chàng có thể đánh bại Y-pút dễ dàng. Hai anh em A-páo lại leo lên mình voi, tiếp tục đi. Lần này voi có vẻ bớt giận không còn phá cây cối nữa. Một lúc sau, họ về đến nhà.
Y Pút đang đứng chỉ tay năm ngón ra lệnh cho tôi tớ sửa sang lại ngôi nhà mà nó vừa cướp được. A-páo đã giận, nhìn thấy cung cách trơ trẽn của Y Pút, lại càng giận hơn. A-páo nhảy xuống đất, chạy nhanh đến Y Pút, nói:
– Sao ông đến cướp nhà tôi? Đã có nhà cửa rồi, sao còn tham thế? Nếu biết điều, xin ông đi chỗ khác… Y Pút không nói không rằng, đánh mạnh vào mặt A-páo. Em A-páo và chú voi khổng lồ thấy thế vội nhảy vào định can thiệp, nhưng bọn người nhà tên Y Pút kịp thời ngăn chặn. A-páo vừa giơ cao chiếc gậy thần thì bỗng dưng, từ chiếc gậy, một luồng hào quang nhắm thẳng vào Y Pút rồi lại tạt ngang qua bọn lâu la của nó. Chỉ trong nháy mắt, cả bọn cướp nhà, kẻ sưng đầu, người sưng mặt, kêu la oai oái trên đường thoát chạy. Riêng Y Pút thì bị thương trầm trọng.
Bọn lâu la vội tải thương nó, chạy qua mặt voi. Chú voi khổng lồ chặn lại không cho đi. Voi dõng dạc nói với Y Pút:
– Không ai thương kẻ gian ác như mày đâu! Chú voi vừa nói vừa thò vòi quấn lấy Y Pút ném ra xa chừng hơn trăm thước. Y Pút chết không kịp ngáp. Từ đó hai anh em A-páo lại có nhà, có rẫy, nương.
Hàng ngày A-páo lại cùng chú voi khổng lồ đi phát nương trồng bắp, gầy bí.
Càng ra sức lao động, A-páo càng khỏe mạnh. Và chẳng mấy chốc, bắp tốt, bí tươi, A-páo cùng chú voi thân yêu lại có dịp thu hoạch thêm hoa màu tươi tốt.