Ngày xưa tại chùa Phước Thọ, có một ni cô trẻ đẹp pháp danh là Tuệ Không. Đã đẹp về sắc ni cô Tuệ Không lại là bực văn hay chữ tốt ít có kẻ nam nhi nào sánh bằng. Bởi vậy chùa Phước Thọ không lúc vắng bóng người đến chiêm ngưỡng tài của ni cô. Người bá tánh tranh nhau đến xin tranh, xin chữ viết, nhưng ni cô chẳng tặng cho ai cả chỉ làm ra để họ xem tại chùa mà thôi.
Đã vậy, nhiều người vì ngưỡng mộ tài đức của ni cô nên tặng vàng bạc rất nhiều, trước sau ni cô đều từ chối, không nhận của bá gia. Ngày kia ni cô Tuệ-Không rời khỏi chùa Phước Thọ đi ra ngoài ngoạn cảnh. Giữa đường ni cô gặp một lão ăn mày, ngặt vì không tiền, cũng không có cơm ngạo mang theo. Rốt cuộc ni cô đành hẹn với lão ăn mày ngày mai đến chùa sẽ được giúp đỡ.
Ngày sau, lão ăn mày y hẹn đến chùa Phước Thọ tìm Tuệ-Không. Ni cô trao cho lão ăn mày những chữ rất đẹp của mình và bảo: Cụ cứ cầm tờ giấy có chữ viết này đến các nhà giàu mà bán tức được nhiều tiền, khi nào hết cụ lại đến đây. Lão ăn mày nghe theo lời của Tuệ-Không đem mảnh giấy có chữ viết đi bán, và nhiều người tranh nhau mua, nên bán được giá cao.
Lão ăn lại đến xin ni cô chữ viết nữa, ni cô sốt sắng đem cho. Nhiều lần như vậy, lão ăn mày trở nên giàu có, thừa ăn thừa mặc, hưởng cảnh ấm no. Bấy giờ lão mới nghĩ đến sự đáp ơn cho ni cô. Lão dựng lên một cái thảo lư ở ngoài cửa tam quan chùa Phước Thọ, xin làm thủ hộ, ngày ngày lo việc quét dọn trong chùa.
Trong làng, có kẻ thổ hào manh tâm muốn chọc ghẹo ni cô, đã nhiều lần rồi bị ni cô cự tuyệt, nên hắn đâm ra thù oán, bèn ngầm mướn một bọn côn đồ, chờ cơ hội làm nhục ni cô. Một hôm Tuệ-Không rời khỏi chùa đi vào núi để tìm rễ cây làm thuốc. Thừa dịp này bọn côn đồ đi theo. Đợi đến quãng vắng, chúng liền ùa ra bao vây, đùa cợt rất thô bỉ.
Một mình ở giữa chỗ vắng vẻ, ni cô biết mình khó thoát khỏi tay bọn chúng, nên đem lời phải trái khuyên bọn chúng không nên làm điều sai quấy. Nhưng bọn chúng toàn là kẻ bất lương còn biết gì phải trái. Đã không nghe lời khuyên chúng lại còn đâm ra khinh, đứa nắm tay, đứa nắm lấy chân, đứa toan giở trò cưỡng hiếp.
Ni cô chống cự gần đuối sức, tưởng đã phải bị ô nhục, rất may vào lúc đó, lão ăn mày chạy đến, dùng gậy hỗn chiến với bọn côn đồ. Nhờ liều chết và lòng quả cảm nên lão ăn mày đánh đuổi bọn côn đồ, đưa ni cô trở về chùa bình yên vô sự. Từ đó, lão ăn mày luôn lo công quả cho chùa và hết lòng bảo vệ ni cô, thành ra tên thổ hào và bọn côn đồ không dám giở trò gì nữa cả. Tục truyền rằng, ni cô Tuệ-Không la Quan Thế Âm tái thế, còn lão ăn mày là một vị hộ pháp hóa kiếp.