Việc buôn bán thì ai cũng có thể làm song không phải ai cũng kiếm được tiền
“Thương trường như chiến trường”, luôn biến hóa khôn lường. Trong thương trường ai cũng có thể kinh doanh, nhưng không phải ai cũng kiếm được tiền, chỉ có những người có con mắt tinh đời mới có thể nắm bắt được cơ hội, vận may; chỉ có những người nắm vững bí quyết kinh doanh mới thu về lợi nhuận.
Thực tế đã cho thấy, có không ít người bước vào thương trường nhưng vì không có tài năng và bản lĩnh kinh doanh nên chỉ qua một cuộc cạnh tranh khốc liệt đã bị đào thải. Nhiều người muốn trở thành ông chủ nhưng lại không biết cách đầu tư từ đâu, có người vừa phát tài đã vội mở rộng quy mô đầu tư, nhưng do không tính được sự thay đổi đến chóng mặt của thương trường nên đã bị đánh gục ngay khi ý định mới được nhen nhóm; cũng có người tiến hành giao dịch với đối tác tưởng chừng sắp đi đến thành công nhưng lại bị đối tác trở mặt mà thành thất bại; cũng có người được người khác giới thiệu cơ hội kiếm tiền rất tốt, nhưng đến khi bắt tay vào đầu tư mới biết mình bị lừa…
Vì vậy, để giúp những người mới bước vào ngưỡng cửa kinh doanh có thêm tự tin, chúng tôi xin giới thiệu cuốn sách “100 điều nên làm và 100 điều nên tránh trong kinh doanh” làm tài liệu tham khảo, hỗ trợ công việc kinh doanh của các bạn trong tương lai.
Nội dung của cuốn sách được tổng kết từ những trắc nghiệm thực tế trong cuộc sống của những nhà quản lý và các ông chủ lớn trong kinh doanh, hy vọng cung cấp cho bạn đọc một số kỹ xảo và phương pháp kinh doanh trên thương trường, giúp bạn đọc biết được những gì nên làm và những gì không nên làm nhằm thực hiện mơ ước làm giàu của chính mình.
Cuốn sách này được chia thành 12 chương và một phần phụ lục trích đăng 75 câu danh ngôn “lời vàng ý ngọc” của những doanh nhân nổi tiếng để bạn đọc tham khảo.
Kinh doanh thực chất là một cuộc đấu trí. Trí tuệ kinh doanh cũng thiên hình vạn trạng, từ quan niệm, mục đích kinh doanh, thiết kế thương hiệu, ý thức nhãn mác cho tới chất lượng sản phẩm, dịch vụ bán hàng; từ tuyên truyền quảng cáo, kế hoạch đầu tư đến hợp tác liên doanh, khai thác thị trường kinh doanh. Tất cả các khâu đều gắn kết chặt chẽ với nhau, giống như trò chơi Đôminô, mỗi quân bài đều liên quan đến toàn cục. Do đó, những thương nhân thành công luôn cảnh báo mọi người rằng: Trong một công ty, lòng người là cái gốc của quản lý; trong giao dịch làm ăn, thị trường là nguồn của lợi nhuận. Những tài năng kinh doanh về đối nội luôn nhấn mạnh trí tuệ tập thể, tinh thần doanh nghiệp, sự đồng tâm hiệp lực trên dưới một lòng của mọi người; về đối ngoại phải thuận theo xu thế lớn của thị trường, chiếm lĩnh những thị trường có tiềm năng, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, giữ uy tín doanh nghiệp… Sự thực chứng minh rằng, biết kinh doanh một cách khoa học sẽ thu được lợi nhuận cao.
NGƯỜI COI NHẸ TIỀN BẠC THƯỜNG KIẾM ĐƯỢC NHIỀU TIỀN HƠN
Khí phách coi nhẹ tiền bạc thường thấy ở thế hệ thứ hai của những người giàu có, chính nhờ tố chất này, họ gây dựng được nghiệp lớn, bởi họ không sợ sự chỉ trích và ghen tị của người khác nên có được thành công.
THƯƠNG NHÂN KHÔNG QUÝ TRỌNG THỜI GIAN THÌ KHÔNG THỂ THÀNH CÔNG
Thương nhân khi đàm phán một thương vụ nào đó mà lại chỉ nói những chuyện đâu đâu chẳng liên quan gì đến công việc chính thì không bao giờ thành công. Kinh doanh ngày nay phải nhanh nhạy nắm bắt và thuận theo quy luật cung cầu, vì vậy, mỗi câu nói trong đàm phán cần phải xuất phát từ bản thân công việc, trực tiếp, thẳng thắn, không để lãng phí thời gian.
Thương nhân cần phải hiểu, thời gian là tiền bạc, không lãng phí thời gian vào những tiểu tiết. Người nào can thiệp cả vào những động tác nhỏ của nhân viên thì chắc chắn sẽ không thể trở thành một ông chủ lý tưởng.
NGƯỜI NÀO KINH DOANH CHỈ VÌ THỂ DIỆN THÌ CUỐI CÙNG NHẤT ĐỊNH SẼ MẤT THỂ DIỆN VÌ THẤT BẠI
Có một số người khi kiếm được tiền tỏ ra rất kiêu ngạo, những người kinh doanh chỉ vì thể diện này rất nông cạn.
Cần hiểu rằng, muốn tồn tại được trong kinh doanh phải có sự giúp đỡ của người khác, cũng giống như một bông hoa đẹp và nổi bật hơn nhờ tán lá xanh vậy. Do đó, bản thân muốn kiếm được tiền cũng phải có sự giúp đỡ của người khác, không được ngạo mạn.
Trong kinh doanh cũng thường có hiện tượng “con gà tức nhau tiếng gáy”, thấy người khác kinh doanh gì thì cũng kinh doanh cái đó mà không suy nghĩ tới vấn đề kinh tế, kết quả là mang vạ vào thân. Ví dụ, người khác phát triển một sản phẩm mới, mình cũng tìm mọi cách làm bằng được sản phẩm như vậy để “anh có tôi cũng có” mà không để ý tới chất lượng, khả năng tiêu thụ, cuối cùng tự chuốc lấy thất bại và mất cả thể diện.
Cho nên, thương nhân cần phải biết tu thân dưỡng tính, bồi dưỡng cho mình một sự chín chắn, đừng vì hứng thú nhất thời mà chuốc lấy những thất bại.