“Đái tháo đường (ĐTĐ) là gánh nặng cho nền kinh tế, xã hội toàn thế giới vào thế kỷ 21″.
“Bệnh lý của thế kỷ 21 là bệnh lý của các bệnh nội tiết và chuyển hoá, trong đó nổi bật vai trò trọng tâm của bệnh đái tháo đường”.
“Dự báo tỷ lệ bệnh đái tháo đường sẽ tăng nhanh trong vòng 10 – 20 năm tới, ở các nước phát triển tỷ lệ này là 42%, còn các nước đang phát triển tỷ lệ bệnh sẽ tăng tới 170%”.
Trên đây là những nhận xét của các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới về tình hình bệnh tật của thế kỷ 21.
Việt Nam là một nước đang phát triển nằm trong khu vực Tây Thái Bình Dương, khu vực đang có những thay đổi lớn không chỉ về kinh tế mà cả về các lĩnh vực môi trường, hình thái bệnh tật v.v… cùng với các bệnh không lây nhiễm khác, bệnh ĐTĐ đang phát triển với tốc độc nhanh. Kết quả điều tra năm 2001 cho thấy: tỷ lệ ĐTĐ ở 4 thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh) trong lứa tuổi 30- 64 là 4,1%: đến điều tra toàn quốc năm 2002 ở cùng đối tượng, tỷ lệ ĐTĐ toàn quốc là 2,7%. Trong đó ở thành phố và khu công nghiệp là 4,4%, đồng bằng – 2,7%, trung du – 2,2% và miền núi – 2,1%.
Cũng giống như các nước đang phát triển, người mắc bệnh ĐTĐ ở Việt Nam được phát hiện muộn, những trường hợp phải vào nằm viện thường kèm theo các biến chứng nặng nề, đây là nguyên nhân làm cho chi phí chữa bệnh tăng cao. Bệnh ĐTĐ đã, đang và sẽ là gánh nặng không chỉ cho mỗi cá nhân, gia đình người bệnh, mà còn cho nền kinh tế xã hội của chúng ta trước mắt cũng như lâu dài.
Cùng với những tiến bộ của khoa học, hiểu biết về bệnh ĐTĐ cũng ngày càng phong phú, ngày nay khả năng phòng chống bệnh ĐTĐ đã là một thực tế với những cơ sở khoa học vững chắc và đã được chứng minh thực tế.
Đứng trước một thực tế là tỷ lệ bệnh đái tháo đường đang gia tăng một cách nhanh chóng ở Việt Nam, ngày 17 tháng 6 năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 77/2002/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình phòng chống một số bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2002 – 2010. Trong đó có giao nhiệm vụ cho Ngành Y tế “phấn đấu giảm tỷ lệ mắc, biến chứng và tử vong của bệnh đái tháo đường”. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề.
Một trong những điều kiện quan trọng để tiến hành phòng chống bệnh ở cả ba cấp có kết quả là phải nâng cao trình độ hiểu biết về bệnh không chỉ có người bệnh mà cho cả cộng đồng.
Xuất phát từ yêu cầu của người bệnh ĐTĐ, với mong muốn phỏ biến kiến thức thông thường cho người bệnh, tác giả đã biên soạn cuốn sách Người bệnh đái tháo đường cần biết. Sách đã được Nhà Xuất bản Y học ấn hành lần đầu năm 2002 và liên tục được tái bản có sửa chữa, bổ sung những vấn đề mới nhất là về bệnh đái tháo đường. Mong rằng cuốn sách nhỏ phổ biến kiến thức khoa học về bệnh đái tháo đường sẽ có ích cho bạn đọc.
Bệnh viện Nội tiết, tháng 10 năm 2006
Tác giả