Này! Các anh! Thế nào nhỉ? Ở đám tế, muốn bảo đứng dậy, họ xướng thế nào nhỉ? Hơơơng. À phải…
Nói xong, anh Tam khuỳnh hai tay ra đằng trước, dài giọng ra mà:
– Hơơơng!
Tiếng cười rầm rầm:
– Kìa vua Zéro! Ngài có nghe tiếng không?
– Ngài lờ mãi! Ngài quỳ gan thế!
Tiếng vỗ tay đôm đốp:
– A hay! Hơơơng! Đức ơi! Hơơơng! Ơ nó cứ quỳ bạt mạng đi thôi!
Anh em cười nôn ruột. Nhưng thầy giáo hất tay, bắt mọi người đi chơi xa.
Từ lúc ấy, sân trường mới được vui vẻ. Chỗ này, vài anh đuổi nhau. Chỗ kia, vài anh rủ nhau đánh bi. Cạnh hàng rào anh Thơm nhồm nhoàm chiếc bánh tây. Ở góc trường, anh Lục hút thuốc lá vụng. Anh Đa, anh Banh khoác tay nhau, đi bách bộ, lầm bầm đọc bài chốc nữa. Anh Tý vạch xuống đất để hỏi anh Học bài tính vừa rồi.
Chẳng còn ai để ý đến Đức đang quỳ ở góc lớp ba như ban nãy nữa. Ông giáo Chính ngồi ở bàn giấy, gấp quyển vở lại, gọi:
– Đức! Anh lại gần đây.
Rồi thầy nghiêm nét mặt, nhìn Đức. Đức, khoanh tay, cúi gầm, e lệ đến cạnh bàn thầy đứng im.
Ông giáo trỏ quyển vở, trang nghiêm nói:
– Anh không đáng tên là Đức! Anh ngẩng lên nhìn tôi đây.
Đức sợ hãi, thưa:
– Dạ!
– Vở anh giữ rất sạch sẽ, sao không bài nào anh thuộc!
Đức im lặng, không đáp.
– Tôi nhận thấy độ ba tháng nay, anh đổi khác hẳn. Trước anh chăm chỉ bao nhiêu, nay anh lười biếng bấy nhiêu. Tại làm sao thế?
Đức vẫn không đáp.
– Tôi rất không bằng lòng. Các bạn anh đặt tên anh là vua Zẻro! Anh hay phải phạt! Anh có xấu hổ không?
Thẹn thùng, Đức khẽ đáp:
– Bẩm thầy, có.
– À, có! Vậy sao anh không chịu học? Sao anh còn lười? Lười đến nỗi cả quần áo cũng để bẩn thỉu quá! Tôi tiếc cho anh rất sáng dạ. Anh phải biết, người sáng dạ đến đâu mà lười, cũng không bằng người tối dạ mà chăm. Tôi phạt anh là để anh sửa lỗi. Nhưng nếu anh không sửa lỗi, thì từ nay tôi không phạt nữa.
Đức cảm động, hai mắt mọng những nước.
Ông giáo nói tiếo:
– Trước anh là một người học trò rất ngoan ngoãn. Tôi tưởng lên lớp này, anh vẫn ngồi đầu như năm ngoái ở lớp tư. Thế mà chỉ được một tháng, rồi anh đổi khác hẳn. Tuy trong lớp, anh không nghịch ngợm, anh chịu khó nghe, anh trả lời được những câu hỏi khó, nhưng đến bài học là anh không thuộc bao giờ, có khi bài làm, anh cũng bỏ dở. Giá anh chịu khó một tí đã đủ hơn anh em rồi. Vậy mà đến bây giờ, trong năm mươi người, anh ngồi thứ bốn mươi sáu! Anh có thấy rằng anh học lùi lại không?