Ông nội tôi qua đời năm tôi năm tuổi. Mãi tới hôm nay tôi vẫn chưa biết tên thật của ông tôi. Ông bà tôi có tám người con. Bố tôi là con trai duy nhất nên tôi là cháu đích tôn của ông bà tôi. Những vuốt ve, những trìu mến ông tôi dành hết cho tôi, tôi chỉ được nghe kể lại. Và được nghe kể lại của cuộc đời lận đận nghèo khổ của ông, một người trải nỗi buồn của mình khắp các miền quê khi ngồi dạy học và sống như kiếp tầm gửi với các hiệu bán thuốc Bắc khi ngồi xem mạch, kê đơn. Đã chẳng thấy ai mỉa mai cái nghề thầy đồ, thầy lang của kẻ sĩ vỡ mộng khoa bảng thưở xưa. Những người quen, nhắc nhở đến ông tôi đều lễ phéo một điều cụ Mai Viên hai điều cụ Mai Viên. Môn đệ của ông tôi cũng lận đận giống thầy. Không ai đạt nổi một địa vị nào trong xã hội. Tuy thế họ đã góp tiền dựng một ngôi nhà cột gỗ lim, mái ngói ở chính miếng đất nơi thầy họ chôn rau cắt rốn để thờ phụng. Mỗi năm, vào những dịp giỗ tết họ rủ nhau về nhà thầy cúng vái, khóc lóc và tặng quà vợ thầy. Chuyện này chấm dứt từ xảy ra chiến tranh.
Tôi vừa nói bố tôi là con trai duy nhất, thành thử dù là con ông đồ, bố tôi đã hưởng trọn vẹn nuông chiều, thương yêu của ông bà tôi và trọn vẹn nể vì, quý mến của các cô tôi. Và, vì thế bố tôi đã thả lỏng ấu thời của mình ở bãi vắng mùa hè với đủ các kiểu diều cánh thoi, diều cánh cốc, diều vè, diều sáo; đã tung lưới băng đồng bắt chim, bẫy chim; đã tha hồ bơi lội bờ ao, sông ngòi chờ lớn hơn làm chuyến giang hồ đây đó.
Cậu-bé-bố-tôi chê trường làng, chê ông đồ Bảng. Cậu thường trèo lên cây Bòng trêu chọc con thầy bằng hai chữ nói lái bàng đổ, và lấy cớ sợ thầy, cậu đóng vai là học trò nhưng không sách cầm tay. Ông tôi mãi dạy học xa nhà không biết sự tình. Khi ông tôi biết, ông tôi bèn xích chân bố tôi lại bằng một sợi tơ hồng. Bố tôi làm con rể một ông đồ. Cũng ông đồ. Sao giòng họ nhà tôi và những giòng họ liên hệ nhiều người học dốt vậy. Bố tôi lấy con gái của ông đồ Báng ở làng Đồng Thanh. Cô thứ nhất của tôi lấy ông đồ kiêm ông lang. Cô thứ năm của tôi làm dâu ông đồ Khoái. Ông họ tôi làm đồ nho. Bác họ tôi làm đồ nho. Đồ nho và thầy lang. Đó là giai cấp no đói thất thường của hoàng hôn Nho học. Tôi quên không hỏi bố tôi lấy vợ năm mấy tuổi. Chắc sớm lắm. Cái trò chơi vợ chồng này đưa đến một tan vỡ và bố tôi có vẻ hằn học. Nguyên nhân nào đó tôi không rõ, ông tôi bỏ nghề thầy đồ, lên tỉnh thuê nhà mở hiệu thuốc Bắc và hành nghề thầy lang. Tỉnh Thái bình quá đông thầy lang. Đến nỗi, một ông cử nhân Hành Thiện qua thăm bạn thầy lang Thái Bình đã xuất một vế câu đối đùa bỡn: Thái Bình bát vạn lang. Lang trắng, lang vàng, lang lốm đốm. Bố tôi được theo ông tôi, vừa học nghề vừa học chữ. Cô vợ ở lại quê giúp mẹ chồng cuốc đất trồng khoai.