Câu chuyện kể trùng hợp với những nhân vật có thật trong đời nên tác giả sẵn sàng gánh chịu mọi trách nhiệm pháp lý.
Rộng lượng đọc đến hết chương 7, độc giả sẽ phải chọn lựa. Nếu bạn đọc một trong hai đoạn kết trong chương 8 và yên tâm thì thôi. Nếu không, xin bạn quên đoạn đó, và đọc đoạn kia. Còn như bạn cứ vẫn bối rối, xin tha lỗi cho tôi, kẻ trót làm phiền lòng bạn giữa hư và thực. Nước xuôi con suối định mệnh chảy cho đến khi đập vào hòn đá chặn giữa lòng khiến dòng chẻ đôi, hư có thể là thực. Và ngược lại.
Nước vẫn trôi, chẳng ai biết dòng nước ấy đã từng một lần chảy qua, hay đã chảy qua thì sẽ chẳng bao giờ chảy lại.
Thật ra, ghềnh có một cái tên mỹ miều. Nhưng tôi gọi là ghềnh V, chữ V lộn ngược nằm nghiêng khoảng 30 độ, hình ảnh rất trần trụi của cái ghềnh nay quá nổi tiếng. Nằm trong địa giới tỉnh QN, cách mộ một nhà thơ tên tuổi độ ba mươi phút chim bay, ghềnh nhô ra biển, từng kéo hút nhiều định mệnh vào những bước chung cục một đời người. Anh bạn phóng viên tòa báo nơi tôi làm việc đã viết một thiên phóng sự có cái tên rất câu khách “Nơi để Chết trong cái Đẹp cứu rỗi’’ . Anh bảo hãy đến, và phải nhìn tận mắt tất hiểu. Dĩ nhiên, nhìn tận mắt cái Đẹp thôi, anh ta nhắc đi nhắc lại. Tuy vậy, vài tháng sau khi bài báo được phổ biến, một hiện tượng khiến tỉnh QN xôn xao, và cư dân quanh ghềnh hầu như đổi hẳn cách tiếp cận đời sống. Nhưng trước khi vào truyện, một phần là chuyện của tôi, xin một vài lời về nhà thơ, một người mắc bệnh hủi. Trăng lên là giờ Thượng Đế trừng phạt. Những vết lở lói trên cơ thể toạc ra ứa máu, ngứa ngáy, và nhức nhối chọc toang não bộ, mắt hoa lên, thị giác vỡ thành hằng hà sa số những cánh chim bay. Còn chim, loại chim sẻ. Chúng xấu xí, chẳng ai để ý trừ kẻ thù của chúng. Đến mùa, chúng sà xuống những mảnh ruộng cằn phá phách, tranh ăn với những kẻ đi mót từng hạt lúa rơi. Kẻ thù của chúng lúc nào cũng đói. Vài năm nay đói lê lết. Lạ thay, vậy mà những kẻ thù tội nghiệp này của đám chim nay không bao giờ còn lên ghềnh V như trước.
Quyết định lên ghềnh V là điều tôi cân nhắc hơn nửa năm. Rồi sau, tôi sửa soạn. Đầu tiên, theo cái tít bài phóng sự, phải hiểu sự Chết. Khó đấy. Hiểu thì không, tôi chỉ có thể thật thà – thật thà và ngớ ngẩn – định nghĩa sự Chết như một hiện tượng sinh học, kiểu tim ngừng đập, lượng oxy chuyển lên óc giảm dần, tay buông, chân duỗi… Còn mắt thì mở hay nhắm, tùy, mở khi còn muốn nhìn lần cuối và nhất là yên trí có người bên cạnh vuốt mắt sau đó. Nắm bắt cái Đẹp? Cũng khó, thậm chí khó hơn. Và chẳng như cái Chết thuần sinh học, cái Đẹp là một phạm trù rất chủ quan, qua thị giác để nắm bắt cái thấy được, qua thính giác cái nghe được, và qua xúc giác cái sờ thấy được… Tất cả lại thấm qua một bộ lọc cấu thành từ văn hóa và trải nghiệm của mỗi người. Tìm hỏi anh bạn phóng viên, anh chép miệng, muốn hiểu thì cứ đi, nhưng đi là khó có bước về, và nếu về, người đi và kẻ về sẽ chẳng thể là một nữa.