Đi Về Nơi Hoang Dã – Tiểu Thuyết: – “Đi Về Nơi Hoang Dã” có cái mới đóng góp cho văn Việt Nam: tiểu thuyết gần 300 trang, có năm nhân vật chính, hầu như không có tên; “năm thằng đực rựa” gọi nhau bằng tục danh căn cứ vào tính cách hay nghề nghiệp: Ông toán trưởng, thằng cấp dưỡng, thằng hộ pháp, thằng học giả và tôi – người dẫn truyện. Lối suồng sã hoá này vốn không mới đối với tiểu thuyết – đứa con hoang của ông bố quý tộc bất mãn và bà goá thị dân xô bồ. Nhưng ở Việt Nam, ngoại trừ Xuân Tóc Đỏ, tiểu thuyết luôn có ý thức để các đứa con mình có một huyết thống minh bạch. Đến Nguyễn Huy Thiệp, sự suồng sã xuất hiện nhưng mới chỉ dừng ở lời ăn tiếng nói nó làm nên không khí truyện mà có người gọi là ma quái. Cái vô danh mới mẻ này ngay lập tức đạt được hiệu quả nghệ thuật: Các tính cách của toán công nhân phát tuyến ăn ở tập thể, no đói thèm ăn như nhau, thèm gái cũng như nhau nốt, do vậy mặc dầu mỗi anh một tính cách nhưng rồi nhoè dần sang nhau. Thậm chí, thằng học giả vốn đầu tuy ghét, khinh, chống ông toán trưởng mà rồi dần dà hắn lại giống ông ta nhất. Những kẻ vô danh, làm cái việc mở tuyến nhưng do trình độ, thiết bị và núi non hiểm trở đã khiến công việc của họ suốt mấy tháng trời thành công cốc, phải lấy cái đích giả định thay cho đích đến, nghĩa là cũng vô danh nốt.
Tiểu thuyết bắt đầu từ chỗ toán mở tuyến giao thông lâm vào đói ăn: “Bữa ăn cuối cùng trong ngày còm cõi đến độ biến đâu mất… và giấc ngủ khó mà tới khi trong bụng có tiếng than vãn của cái dạ dày đang co bóp vào chính nó”. Và khát: “Mỗi lần thay quần áo, thấy tôi cứ ngập ngừng mãi, thằng cấp dưỡng lại cười diễu: Nhịn đánh răng rửa mặt đi, năm ngày có năm bi đông nước là đủ giặt quần áo đấy”. Đói khát là kẻ thù vật chất nên để chống lại, ông toán trưởng dùng sức mạnh tinh thần, mỗi tuần nghĩ ra một khẩu hiệu mới, bắt anh em viết dán vào mũ, chẳng hạn: “Lấy cây làm nhà, lấy lá làm chiếu, lấy sương làm màn… Quyết tâm chiếm lĩnh đỉnh cao phía trước”. Công việc thì lâm vào bế tắc. Nhóm khảo sát đi theo bản đồ do cấp trên chỉ đạo qua cái máy vô tuyến điện với ông toán trưởng, có la bàn trong tay. Nhưng con đường tương lại gặp núi đá dựng đúng, không thể có hàng triệu tấn thuốc nổ phá núi cho nó đi, họ gọi về báo cáo sự thật và nhận được chỉ thị: Phải tìm cách khắc phục, cấp trên không bao giờ sai…”.
Vào dịp Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ 6 năm 1995, trả lời phỏng vấn đài RFI về văn học Việt Nam thời đổi mới, nhà văn Nhật Tuấn đã phát biểu: Mấy năm 1987- 1991 là thời hoàng kim của tiểu thuyết Việt Nam. Thời đó giống như có một đứt gãy của lịch sử, khiến cho văn chương trong nước trào ra như dòng phún xuất thạch, hoặc nói theo ngôn ngữ đá banh, lúc đó trọng tài đang mải cãi nhau về luật bóng đá, tranh thủ thời cơ đó, các nhà văn tới tấp dẫn bóng lên làm bàn. Những thiên đường mù của Dương Thu Hương, Mùa lá rụng trong vườn của Ma văn Kháng, Thời xa vắng của Lê Lựu, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh… và cuốn sách đang trong tay quý vị: Đi về nơi hoang dã của Nhật Tuấn là những trái bóng sút tung lưới đó. Tuy nhiên, khác với những cuốn kể trên được làm rùm beng, báo chí đua nhau lăng xê, cuốn của Nhật Tuấn cứ lặng lẽ đi vào người đọc và lặng lẽ rơi vào im lặng. Vì sao vậy? Có lẽ nhà văn Trần Thanh Giao ở trong nước đã nói được đúng tình thế lúc đó: Khen cuốn Đi về nơi hoang dã thì là dại, chê thì lại là ngu. Tốt hơn hết cứ nói là… chưa xem…. Và thế là cả các nhà văn, các nhà phê bình, các nhà báo văn hoá văn nghệ đều chưa…. đọc Như thế. Tại sao người ta ngại cuốn sách này đến thế? Chống Đảng, nói xấu lãnh tụ, chia rẽ dân tộc chăng? Chả phải! Biểu tượng hai mặt, mượn xưa nói nay, mượn súc vật xỏ xiên con người chăng? Cũng chả phải! Phân tích ra thì chẳng có tội gì mà ngại, nhưng càng đọc càng cứ… tức anh ách. Tại sao thế nhỉ? Ở những cuốn tiểu thuyết mang màu sắc phản kháng khác (Những thiên đường mù, Thời xa vắng, Ly thân…) các tác giả còn muốn tranh cãi, muốn triết luận với chủ nghĩa xã hội quanh các vấn đề cải cách ruộng đất, hợp tác hoá nông nghiệp, hoà bình và chiến tranh….Đi về nơi hoang dã thì không – nó không đối diện, không hội luận, không trao đổi gì hết, nó cũng chẳng buồn nhắc tới cái chủ nghĩa ấy tới một lời – nó chỉ mô tả cuộc đời của những con người tiêu biểu ở trong đó, mô tả, miệt mài mô tả mà thôi. Hại thay, khi mô tả con người với với tấm lòng yêu thương thì tác giả lại tỏ ra khinh miệt, quay lưng không muốn tranh cãi, không đáng để nói tới những thế lực đã gây nên sự đày ải con người một cách kinh khiếp đến như thế.
Năm con người bị đẩy vào miền hoang dã với nhiệm vụ chính trị cao nhất là tìm một con đường trên núi cao được vạch sẵn do Ban chỉ huy nằm ở mãi dưới đồng bằng và truyền lệnh hàng ngày qua cái máy vô tuyến điện. Cho dù ngay trên đường đi, vấp phải vách đá dài dằng dặc, con đường trên núi ngày càng tỏ ra được thiết kế sai toét toè loe, nhưng mọi người vẫn phải: tuyệt đối tin tưởng ở cấp trên, thực địa có thể khác với bản thiết kế con đường, nhưng Ban chỉ huy không bao giờ sai…. Vậy nhưng rồi tới cái ngày ngay cả ông toán trưởng là người lãnh đạo cái đoàn người đi trên núi này rồi cũng đã trắng mắt, cay đắng nhận ra rằng Ban chỉ huy đã sai trong chỉ đường vạch lối, vậy nhưng ông vẫn phải nhắm mắt tuân theo mệnh lệnh là mệnh lệnh, tuyệt đối phải chấp hành, nhiệm vụ chính trị cao nhất của chúng ta trong lúc này là đi tới, đi tới…., nhưng mà đi tới… đâu, đi tới cái đỉnh Hua Ca chỉ có trong tưởng tượng bằng bất cứ giá nào. Vậy là đã thành một chân lý Ban chỉ huy không bao giờ sai, đừng có tranh cãi, triết luận, hội thảo hội thiếc gì với cấp trên hết, nếu không thì sẽ thành thằng phản động Anh dám nói cấp trên là mù quáng hả? Anh quên mất phải tin tưởng tuyệt đối ở ban chỉ huy hả? Anh đứng trên lập trường giai cấp nào mà phát biểu vô tổ chức, vô kỷ luật vậy? Một khi vấn đề đã được đặt ra theo kiểu vậy thì thua rồi, cho dù có tuyên ngôn, hội thảo, hiến chương, kết nối gì cũng vô ích. Cả 5 con người đi trong đoàn người thôi không còn tranh cãi, không còn dùng ngôn từ để nghị luận với cấp trên nữa, họ im lặng, im lặng nhưng không buông xuôi, họ triết luận với các lý thuyết gia của con đường, với ban chỉ huy bằng chính… cuộc đời thê thiếp của họ.
Trước hết là ông toán trưởng, suốt ngày câm nín như một con cóc cụ buồn rầu, khổ hạnh hơn nhà tu, cứng nhắc như nhà giáo điều, khiến
lính của ông phải kháo nhau: Tao nghi lão ấy không có cặc quá, chỉ không có cái đó mới sống được như lão. Niềm vui duy nhất trong ngày của ông là đến tối đánh điện về Ban chỉ huy báo thành tích công tác trong ngày: đi thêm được mấy ngàn mét, bao nhiêu người tập thể dục, bao nhiêu người phát biểu trong các cuộc họp. Miệng ông luôn luôn nhắc nhở mình vì mọi người nhưng lại giấu giếm mỳ chính, thịt hộp trong ba lô để lén lút ăn riêng. Ông luôn đề cao đạo đức nhưng lại hủ hoá với bà Trưởng phòng, rồi bỏ mặc bà với đứa con nơi công trường lạnh lẽo.
Loại người như ông toán trưởng nhan nhản một thời làm nên cái gọi là…văn minh cán bộ trong thời kỳ kinh tế bao cấp ở miền Bắc, một thời đã gây nên bao phiền tạp trong đời sống người dân. Vậy nhưng đừng tưởng tác giả sẽ mạt sát, khinh ghét, bôi xấu loại nhân vật đó, ngược hẳn lại, ông toán trưởng vẫn được khắc hoạ với nét bút cảm thông và cái phần tình người của ông vẫn còn lặn vào sâu và bột phát ra mạnh mẽ khi ông đối diện với cái chết.