Gửi bạn sinh ra trong mắt tôi.
Nếu nghĩ rằng một vật chất được khởi đầu bằng sự sinh ra rồi kết thúc bằng sự mất đi là một sinh vật – vật có cuộc sống – thì đúng là bạn đã có một cuộc đời như bao cuộc đời khác. Cho dù rằng cả cái trái đất mấy tỉ người này chỉ có một mình tôi là người “nhìn” thấy bạn một mình tôi mới biết rõ nhất quãng thời gian hiện diện và tồn tại ngắn ngủi của bạn.
Bạn đã ra đời như thế nào? Có vài người trong cuộc biết nhưng chỉ là về mặt lý thuyết. Còn thực tế thì tôi chắc cũng chỉ có một mình tôi biết rõ nhất.
Để tôi kể cho bạn nghe.
***
Đó là những ngày hạ tuần tháng chín dương lịch cuối mùa mưa Nam Bộ. Hầu như năm nào cũng vậy đêm Trung Thu rằm tháng Tám trẻ con hồi hộp đi rước đèn vì không biết lúc nào trời đổ mưa. Khoảng hai mươi âm lịch giỗ Đức Thánh Trần cách chi trời cũng mưa mà mưa lớn. Các buổi chiều tan sở tan trường đường phố đầy xe cộ hối hả trốn mưa khi bầu trời bắt đầu sẫm lại thấp xuống không khí lạnh và gió thổi thất thường.
Tôi đang làm giám khảo cuộc thi hát karaoke của một đơn vị sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khác với thời bao cấp thời mà các hội diễn văn nghệ quần chúng hoặc hội diễn dành cho công nhân viên chức được tổ chức hàng năm rình rang kéo dài và tốn kém vì là một trong các hoạt động thi đua; những năm gần đây các đơn vị ở tỉnh tôi – nhất là các đơn vị công nghiệp – chọn hình thức thi hát karaoke đưa vào chương trình hoạt động văn thể mỹ của mình chỉ với mục đích làm phong phú đời sống tinh thần cho công nhân viên chức vừa gọn vừa đỡ tốn kém.
Cuộc thi hát karaoke của đơn vị công nghiệp kia tôi chấm thi với hai giám khảo khác cùng là người của sở Văn hóa. Các buổi thi được sắp xếp diễn ra vào khoảng 19 giờ tức là hơn bốn tiếng đồng hồ sau giờ tan ca chiều đủ để những thí sinh công nhân có thời gian nghỉ ngơi và chuẩn bị. Giám khảo chúng tôi bảo nhau có mặt trước giờ thi vào khoảng một tiếng để ban tổ chức yên lòng. Ba ngày đầu thì có đến hai ngày trời đổ cơn mưa nhỏ và chúng tôi phải đến nơi với áo mưa kín thân trên xe gắn máy của mỗi người. Trong lúc chúng tôi được mời ăn tối ở căn-tin – hôm nào cũng là mì gói có thêm hột gà và hành lá xắt nhỏ – thì những thí sinh lo chuẩn bị trang phục hoặc thử giọng để điều chỉnh “tông” nhạc đệm trong đĩa karaoke nếu cần. Sân khấu được bố trí ở một góc khu nhà ăn tập thể với một cái bục gỗ vuông vức mỗi chiều hai mét cao hai tấc bên trên trải thảm màu xanh lá cây – màu đặc trưng của đơn vị – vừa vặn cho một người đứng hát và di chuyển chút đỉnh. Dàn âm thanh và ánh sáng thuê của một tay chuyên nghiệp vốn là một nhạc công chơi ghi-ta bass không thua kém gì trang bị tại các cuộc thi lớn. Một tấm phông lớn màu trắng được đặt phía sau và xéo về bên phải ban tổ chức cho ghi hình thí sinh đang thi chiếu lên đó; nghe nói sau cuộc thi mỗi người sẽ được tặng một đĩa CD ghi hình ảnh và âm thanh phần thi của mình để làm kỷ niệm. Vào giờ thi hầu như thí sinh nào cũng có cổ động viên của mình – chỉ là bạn bè đồng nghiệp vì người thân không được phép vào – ngồi dưới các hàng ghế khán giả nhiệt tình ủng hộ bằng những tiếng “Cố lên!” như các cổ động viên của cuộc thi truyền hình “Đường lên đỉnh Olympia” hoặc những tràng pháo tay thật lớn. Nhiều người được tặng hoa vào lúc nhạc gian tấu hoặc sau lúc hát xong.
Đêm thứ tư của cuộc thi dàn âm thanh nghe vẫn tốt những chiếc đèn vẫn chiếu sáng sân khấu tấm màn trắng ở phía phải vẫn in hình ảnh của từng thí sinh đang thi tài. Bỗng vào một lúc nọ tôi cảm thấy mọi hình ảnh phía trước như bị mờ đi đôi chút. Tự thử tôi nhíu mắt phải: những hình ảnh nhìn rõ hơn. Nhưng khi nhíu mắt trái tôi hoảng hốt phát hiện ra rằng mắt phải của mình chỉ nhìn thấy phần dưới một nửa trên của thị trường chỉ còn là một màn đen mờ không có bất cứ hình ảnh nào! Mồ hôi tôi tươm ra hai bên thái dương. Tôi bị mất tinh thần không thể tập trung nghe thí sinh hát khi cho điểm phải liếc qua giám khảo ngồi cạnh để tham khảo. May mà sau đó chỉ còn vài người thi là hết. Tôi giấu không nói chuyện này với ai kể cả với vợ tôi khi về nhà.
Ngay sáng hôm sau tôi đi khám mắt ở phòng mạch tư của một bác sĩ chuyên khoa mắt có tiếng tại địa phương. Một người ngồi chờ khám bên cạnh nói với tôi: “Chắc là ông bị màng mỡ nơi mắt. Khám xong bác sĩ họ lột đi là lại thấy rõ ngay thôi. Yên tâm đi. Tôi đã lột màng mỡ một lần rồi tôi biết mà”. Tin vào lời người kia tôi hỏi ngay bác sĩ rằng có phải mình bị màng mỡ nơi mắt hay không. Ông soi đèn vào mắt tôi nhìn thật kỹ một lúc rồi lắc đầu nói: “Không phải màng mỡ. Mà rất có thể anh đã bị bong võng mạc. Để tôi nhỏ thuốc chụp ảnh rồi sẽ chẩn đoán cho chắc. Bệnh này nguy lắm chỉ có mổ mới khỏi. Nếu để lâu không mổ chắc chắn anh sẽ bị mù”. Tôi hết sức lo lắng khi nghe những lời này. Tôi lên giường khám nằm để được nhỏ thuốc và chụp ảnh đáy mắt. Việc này hoàn toàn không như những gì tôi hình dung trước đó về việc đi khám mắt: người bệnh chỉ phải ngồi trước mặt bác sĩ đợi khám rồi nhận đơn đi mua thuốc! Nhưng thực tế là tôi đã không chỉ ngồi mà còn phải nằm để được khám! Hơn mười phút sau rời khỏi giường khám trở lại ngồi trên chiếc ghế trước đó tôi hồi hộp chờ đợi kết quả. Người bác sĩ nhìn khá lâu tờ giấy ảnh có in hình con mắt phải của tôi với những vệt đen trắng mà tôi không hiểu gì rồi ông vừa viết lên đó mấy dòng vừa thông báo cho tôi biết là tôi đã bị bong võng mạc chắc chắn là thế nhưng còn may là mới bị một phần tuy không nặng lắm nhưng cũng không thể nói là nhẹ. Người bác sĩ viết giấy giới thiệu tôi lên Bệnh viện Mắt ở TP Hồ Chí Minh để mổ và dặn là phải đi ngay ngày hôm sau. Về nhà tôi không còn cách nào khác hơn là báo cho vợ tôi biết tình trạng con mắt phải của mình. Vợ tôi tỏ ra hết sức lo lắng và vội vàng xin phép công ty nghỉ một ngày để lo xe đưa tôi lên Thành phố Hồ Chí Minh ngay ngày hôm sau theo lời khuyên của bác sĩ.