Trong Hồi kí, cụ Nguyễn Hiến Lê nói về cuốn Cổ văn Trung Quốc như sau:
“Bộ đó tôi dịch kĩ cho nên khá mệt. Phải thuận, sát và giữ đúng thể văn trong nguyên bản. Phải chú thích nhiều.
Các nhà cựu học trong nhóm Nam Phong đã dịch được mươi bài Cổ văn Trung Quốc nhưng không nhà nào chỉ cho ta biết cái hay ở đâu. Bộ Cổ văn bình chú có in thêm ít lời “Bình” sơ sài của cổ nhân. Tôi nghĩ cần phải phân tích cái hay thì thanh niên tân học mới hiểu được, cho nên việc đó tôi làm khá công phu. Đọc các bài Bá Di liệt truyện của Tư Mã Thiên, Lan Đình tập tự của Vương Hi Chi, Xuân dạ yến đào lí viên tự của Lí Bạch, A Phòng cung phú của Đỗ Mục, Tuý Ông đình kí của Âu Dương Tu, Hỉ Vũ đình kí của Tô Thức, Kí Âu Dương xá nhân thư của Tăng Củng… độc giả sẽ thấy tôi đã đem tinh thần mới để xét nghệ thuật của cổ nhân, việc đó chưa ai làm, và những độc giả nào lớn tuổi, biết chữ Hán, đọc kĩ sách của tôi đều nhận đó là một cống hiến đáng kể trong văn học nước nhà.
Tôi mừng rằng đã làm cho một số cựu sinh viên Văn khoa đại học Sài Gòn hiểu được và thích cổ văn Trung Quốc. Trong bài Tựa, tôi đã nói đọc nó, có lợi nhiều về luyện văn: “Nghị luận thì chặt chẽ mà đột ngột, tự sự thì giản lược mà linh hoạt, miêu tả tài hoa mà gợi hình, lời văn thì hàm súc và cảm động”.
Tôi mừng rằng đã làm cho một số cựu sinh viên Văn khoa đại học Sài Gòn hiểu được và thích cổ văn Trung Quốc. Trong bài tựa, tôi đã nói đọc nó, có lợi nhiều về luyện văn: “Nghị luận thì chặt chẽ mà đột ngột, tự sự thì giản lược mà linh hoạt, miêu tả tài hoa mà gợi hình, lời văn thì hàm súc và cảm động.
Còn cái lợi về tinh thần thì “mỗi khi muốn có cái cảm giác nhẹ nhàng như người mới tắm dưới suối lên rồi đứng hóng gió trên ngọn đồi thì chúng ta cứ phải lật bộ Cổ văn ra chứ không tìm được trong các tác phẩm hiện đại nào cả”. Vì tâm hồn của cổ nhân thanh tao mà khoáng đạt hơn chúng ta nhiều.
Đọc những bài Nhạc Dương lâu kí, Thương Lương đình kí… ta muốn quên tất cả mọi vật, thế sự, cảm xúc triền miên; những bài Tuý Ông đình kí, Hỉ Vũ đình kí khiến ta muốn nhảy múa với tác giả, vui cái vui thanh cao của tác giả; hai bài Xích Bích phú tiền và hậu làm cho ta lây cái tinh thần của Lão Trang, lâng lâng như muốn “mọc cánh”. Và mới tháng trước, tôi đã mượn câu “Tích nhật chi sở vô, kim nhật hữu chi, bất vi quá; tích nhật chi sở hữu, kim nhật vô chi, bất vi bất túc”[1] của Lưu Cơ trong bài Tư Mã Quí Chủ luận bốc để an ủi gia đình một bạn mấy năm nay sa sút, phải bán lần đồ đạc mà sống, như hàng ức, hàng triệu gia đình khác. Tôi viết cuốn đó khi buồn về quân Mỹ đổ vào miền Nam nên gởi tâm sự trong lời của Hàn Dũ “bất bình tắc minh”[2] mà tôi in ở trang đầu, và trong phần trên bài Tựa chép đời một ông nghè cuối Lê chán thời cuộc tìm một nơi hẻo lánh để dạy học ở gần làng tôi”.
Cụ còn bảo:
“Sau này mỗi khi muốn có cái cảm giác nhẹ nhàng của người mới tắm dưới suối lên rồi đứng hóng gió trên ngọn đồi thì cứ phải lật bộ cổ văn ra chứ không tìm được trong một tác phẩm hiện đại nào cả. Tới bây giờ tôi vẫn cho những bài Tiền Xích Bích phú, Hậu Xích Bích phú, Hỉ Vũ đình kí của Tô Đông Pha, Tuý Ông đình kí của Âu Dương Tu, Lan Đình tập tự của Vương Hi Chi, Nhạc Dương lâu kí của Phạm Trọng Yêm… là những viên ngọc nhỏ trong văn học Trung Quốc”.