Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, truyện được viết ra sau khi ông đi sứ nhà Thanh về và theo lời truyền thì Phạm Quý Thích đã cho khắc in vào khoảng từ năm 1820 đến năm 1825, thường được gọi là “bản Kinh”. Bản khắc in đó nay không còn nữa nhưng còn lưu lại những phiên bản di dịch ít nhiều. Ngoài “bản Kinh” do Phạm Quý Thích cho khắc in, một số dị bản nữa được in sau đó ở Hà Nội do các nhà in phát hành, thường gọi là “bản Phường”.
Nguyên bản tác phẩm Truyện Kiều được viết bằng chữ Nôm, gồm 3.254 câu thơ theo thể lục bát. Nội dung của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc. Hiện nay, ở Việt Nam lưu truyền một số dị bản của tác phẩm này. Bản nôm cổ nhất còn lưu giữ là bản “Liễu Văn Đường” khắc in năm Tự Đức thứ 19 (1866), mới phát hiện ở tỉnh Nghệ An.
Truyện Kiều là tiểu thuyết viết bằng thơ lục bát. Truyện phản ánh xã hội đương thời thông qua cuộc đời của nhân vật chính Vương Thuý Kiều. Xuyên suốt tác phẩm là chữ “tâm” theo như Nguyễn Du đã tâm niệm “Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu” (nghĩa là “Linh Sơn chỉ ở lòng người thôi”). Ngày nay, Truyện Kiều của Nguyễn Du là một trong những tác phẩm văn học Việt Nam được giới thiệu rộng rãi nhất đến với các du khách cũng như các nhà nghiên cứu nước ngoài.
Truyện Kiều đã từng được in ngược bởi Nhà xuất bản Thanh Niên để có thể đọc mạch truyện ngược chiều thời gian từ “tái hồi Kim Trọng” trở về đoạn mở đầu truyện lúc hai người còn chưa biết nhau.
Truyện Kiều cũng là tác phẩm được viết và đóng thành quyển sách nặng nhất ở Việt Nam do nhà thư pháp Nguyệt Đình thực hiện. Truyện nặng 50 kg, làm trên trên khổ giấy 1 m × 1,6 m và hiện được trưng bày tại Khu di tích Nguyễn Du huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Theo Giáo sư Nguyễn Lộc (“Từ điển Văn học” tập II – Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1984) trang 455 viết: “Đoạn trường tân thanh là một truyện thơ Nôm viết bằng thể lục bát, dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc. Có thuyết nói Nguyễn Du viết Truyện Kiều sau khi đi sứ Trung Quốc (1814-1820). Có thuyết nói Nguyễn Du viết trước khi đi sứ, có thể vào thời gian làm Cai bạ ở Quảng Bình (1804-1809). Thuyết sau này được nhiều người chấp nhận”.