Thế là tháng 7 năm 1950, Tường An, Đồng Đức, Đại Đồng, ba nơi cuối cùng của huyện Vũ Tiên quy thuận người Pháp. Mỗi làng cử một hội đồng đến đồn Pháp đóng ở Ô Mễ, xin vào Hội Tề. Tự đó, Pháp không câu đại bác, ô buy về làng nữa. Và cảnh càn quét cướp của, bắt dân đi phục dịch cũng không còn. Dân Tường An yên ổn sống như thời Pháp thuộc. Họ không dám quên cách mạng và trường kỳ kháng chiến. Vì ban ngày, Tường An chịu sự bao bọc của Pháp; ban đêm, họ chịu sự bảo vệ của cách mạng. Hội đồng tề ngoài ánh sáng, Ủy ban kháng chiến và hành chính trong bóng tối. Người Pháp chẳng biết gì, các thuế má Pháp miễn đóng hết. Thóc gạo nuôi quân, dân làng phải nộp đầy đủ cho cách mạng. Và dân công làm việc phục vụ cách mạng, Hội tề răm rắp tuân lệnh. An ninh vùng tề cay đắng vô cùng. Dân làng chịu đựng lối sống một cảnh đôi ba tròng. Khổ sở quen rồi, có khổ thêm chả sao.
Cho nên, ruộng lại cầy sâu cuốc bẫm. Để lúa xanh con gái, trải heo may đầu thu và chín ửng vàng cuối thu, khi trời không bão táp, vỡ đê lụt lội. Vườn lại săn sóc trồng tỉa. Để cây ăn trái nở hoa mùa xuân, tình tự mùa hè và kết trái mùa thu. Ao lại nuôi cá trắm, cá chép, cá mè. Để hy vọng giấc mơ cá chóng lớn, cho tết vui vẻ cuộc tát ao. Vào tề, dân làng thở toát ra nỗi thống khổ chạy giặc hàng ngày, cứ sáng tinh mơ, nghe tiếng súng nở ở đầu làng Thọ Bi. Chấm dứt chạy giặc, sợ giặc, dân làng hết bị lên miễu Vang hay lên đê Trà Lý thả mắt về phía quốc lộ 10, nhìn xe căm nhông nhỏ xíu đang từ phà Tân Đệ chạy vào Thái Bình mà giật mình sợ hãi.
Khoa có nỗi buồn riêng. Thằng bé vừa lớn chợt tỉnh, sau những ngày Pháp chiếm Thái Bình và lính nhẩy dù răn đe dân làng đừng hòng chống trả. Lính nhẩy dù tới Tường An. Du kích Da, du kích Nhẫn vất lựu đạn, quăng dây mìn, trốn tránh. Còn Khoa hoảng quá, chạy sang vườn dâu ông Hạch. Nó đã rõ cô Nhài bị lính da den hãm hiếp. Khoa thực sự khôn lớn ra, từ hôm du kích Da, du kích Nhẫn đã hối hận vì mình hèn nhát, nên xung phong vào bộ đội; từ hôm, chia tay tưởng tượng con Liên bên hồ Mơ. Thằng Khao đã, mơ hồ, cảm giác nó là chiến sĩ cách mạng, sẽ về giải phóng cứu quê hương thoát khỏi bàn tay thô bạo của giặc Pháp. Và Hà Nội, nơi con Liên đang cư ngụ, đang héo hon vì vết thù in cùng khắp, nó mơ ước tiến tới. Chưa bao giờ Khoa mê bài ca Tiến về Hà Nội như bây giờ.