Giới thiệu về Sơn Nam, nhà văn Bình Nguyên Lộc có lần đã viết: “Sơn Nam là một tâm hồn lạc lõng trong thế giới buyn-đinh và Mercedes, trong thế giới triết hiện sinh, tranh trừu tượng và nhạc tuýt. Nhưng đó là một tâm hồn đẹp không biết bao nhiêu, đẹp cái vẻ đẹp của lọ sứ Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây (có khác lọ hoa Ý Đại Lợi ngày nay), và ít được người đời thưởng thức hơn là họ đã thưởng thức một tiểu thuyết gia chuyên viết về chuyện tình chẳng hạn. Nhưng phải nhìn nhận rằng, cái đẹp Sơn Nam bất hủ… “.
Thực vậy, bên cạnh những trang viết giản dị, nhân hậu, thấm đậm dấu ấn vùng văn hóa Nam Bộ qua các tác phẩm: Hương rừng Cà Mau, Vọc nước giỡn trăng, Bà chúa Hòn, Ngôi nhà mặt tiền, Một mảnh tình riêng, Dạo chơi…, hoặc những công trình nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa dân gian như: Văn minh miệt vườn, Gia Ðịnh xưa, Bến Nghé xưa, Người Sài Gòn, Gia định xưa, Phong trào Duy Tân Bắc – Trung – Nam…, nhà văn Sơn Nam còn có không ít những truyện ngắn và tản văn ẩn chứa nỗi niềm cô tịch, lạc lõng như ông đã thố lộ trong bài thơ duy nhất của mình (bài thơ không tên, được viết làm lời tựa cho tập truyện Hương rừng Cà Mau xuất bản ở Sài Gòn năm 1961): (… )Năm tháng đã trôi qua/ Ray rứt mãi đời ta/ Nắng mưa miền cố thổ/ Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê.
Giấc mơ thầm kín
Là một người dành nhiều năm tháng rong chơi phong sương trên đường phố, đến mức được định danh là “ông già đi bộ”, do đó, khi đọc những trang văn của Sơn Nam, chúng ta sẽ không ngạc nhiên, khi hầu như luôn gặp gỡ ông phác hoạ những con phố nghèo nàn; những phận người bươn chải trong cuộc mưu sinh trầy trụa; những đứa bé trần như nhộng, nô giỡn giữa vũng bùn lầy… Phải chăng, chính từ cái thực tế lầm than như vậy, mà rải rác những nhân vật của ông thường nhen nhúm một giấc mơ thầm kín, nuôi khát vọng đổi đời. Đó là: giấc mơ trúng số!.
Điển hình nhất, chỉ với một tập truyện Người bạn triệu phú (Nxb Khai Trí, 1971), gồm 10 truyện ngắn, thì đã có hơn 5 lần ông nhắc đến chuyện trúng số.
Trong truyện Nhớ Năm thìn, khi nhắc đến cảnh lụt lội tang tóc ở miền Trung, nhà văn Sơn Nam mong muốn làm một điều gì đó để chia sẻ cùng người hoạn nạn. Ông viết: “ Người đang uống rượu, người đang hát, người đang đắp mền, người đang thất nghiệp đều muốn giúp đồng bào. Chỉ cần tổ chức đừng câu nệ hình thức. Kẻ hoang phí đang muốn mua vé số”.
Ổ truyện Một kiểu làm ăn, gặp lại người quen cũ trở nên thành đạt, giàu có, ông có đoạn:
” – Làm nghề gì vậy? Trúng số độc đắc?
Anh ta im lặng hồi lâu : – Tôi đâu có mua giấy số”
Trong truyện Người bạn triệu phú, nhà văn Sơn Nam kể lại: khi đến thăm một người bạn ở một xóm nhỏ lao động, tình cờ một bà hàng xóm báo tin ông hay :”Ổng trúng số độc đắc!”, thế là Sơn Nam nửa ngờ nửa tin, vừa muốn ghé vào thăm, vừa thấy phân vân. Cuối cùng, ông mạnh dạn mở cửa vào gặp bạn, thấy chẳng hề có chút biểu hiện nào vui mừng đặc biệt. Cảnh sinh hoạt gia đình của bạn cũng thể hiện vẻ túng quẩn, cơ cực như mọi ngày. Nói bóng gió chuyện “trúng số”, người bạn vẫn thản nhiên…
Về sau, khi đọc tin trên báo ( lúc ấy, người trúng độc đắc phải in hình và tên trên báo) biết chính xác là bạn đã trở thành triệu phú, ông mới nghiệm ra một quy luât:” Hễ trúng số 1 ngàn, mình hò hét, khoe khoang với anh em chòm xóm, niềm vui của mình được trọn vẹn, cởi mở. Còn nếu trúng một đôi triệu, mình trở nên con người khác… vừa lo lắng, vừa sợ sệt cho tương lai”.