Cả ba, Quang, Thăng và Cần, kinh-ngạc đứng nhìn con sông Đồng-Nai kỳ-dị. Họ chỉ quen với những sông-ngòi của quê hương họ mà mặt nước xấp-xỉ, là-là với mặt đất trên bờ. Một lòng sông chảy xiết dưới đáy vực thẩm, sâu mấy mươi thước làm cho họ chóng mặt lắm.
Năm thằng bé ở đâu trong rừng nhảy ra đề nghị:
– Cho em giữ xe quý thầy!
Cần lại ngạc-nhiên nhìn chúng rồi cười hỏi:
– Ở giữa rừng mà cũng có kẻ ăn cắp xe nữa à?
Chúng nó làm thinh cười đáp. Thạnh nói bằng tiếng ngoại quốc:
– Dẫu sao, cũng phải để tụi nó giữ. Nếu không, lũ nó đâm lủng bánh xe hết.
– Thì ra, y như ở Sài-gòn. Mà bọn nầy ở đâu mà bò tới đây?
– Thì cũng dân Sài-gòn chớ đâu. Chúng nó chở nhau lên đây bằng xe gắn máy.
Dựa bờ vực-thẩm, dựng lên năm bảy quán gió xớ-rớ, lợp bằng lá rừng mới hái. Thế mà trong quán đã bày đủ thứ, nào là la-ve, tôm luộc, nước ngọt, bánh mì.
Thấy thức ăn, cả bọn nghĩ đến khách và bây giờ mới chú-ý tới cái thác mà khách đi tắm.
Một thứ tiếng rì-rào to hơn tiếng gió trong cây lá, vừa dưới đáy vực đưa lên. Tiếng nầy vốn đã có từ bao đời rồi và vốn họ đã nghe từ khi mới đến, nhưng vì nó liên-tục quá, nên họ như không hay biết là có.
Họ nhìn xuống thì thấy hàng trăm điểm xanh đỏ trên mặt nước trắng xóa. Bờ sông cao quá nên họ không phân-biệt nam, nữ, lớn, bé được.
Ở đây, không thể có cái thác nước nào cả, sông Đồng-Nai chảy tới đó thì gặp phải một dãy đá hàn. Nước sông nhảy chồm trên đá, bị đá dồi lên, biến thàng nước bọt trắng phau phau.
Danh-từ “thác Trị An” lớn lối do người Pháp đặt hồi xưa, chớ dân địa-phương chỉ dám gọi nó là “Hàn Ông Sâm” một cách khiêm tốn thôi.