Ai bảo cứ hễ giàu là sướng và nghèo thì khổ? Hòa không tin vậy. Bằng cớ là nó thấy thằng Tâm, bạn thân của nó, con nhà giàu thật sự, giàu ghê gớm, giàu nhất trong số những nhà giàu mà nó được biết, cứ luôn miệng kêu khổ không ngừng.
Ngay cả Hòa, nó cũng tin là bạn mình khổ thật chứ không phải giả vờ. Kể ra, thoạt nghe qua người ta khó mà tin được, thì vẫn… xưa nay ai người ta cũng nghe, cũng nói tiếng nghèo đi kèm bên tiếng khổ: nghèo khổ! Chứ có ai mà lại đi nói ngược đời giàu khổ bao giờ?
Nhưng mà sự thật vẫn là sự thật, không sai suyển đi đâu được. Thằng Tâm khổ lắm, có thể nói nó là đứa trẻ khổ nhất mà Hòa được biết, cũng như chuyện Hòa biết nhà Tâm giàu có nhất vậy.
Trước hết, Hòa biết bạn nó rất khổ về chuyện ăn mặc – nói vậy cho xuôi tai chớ thật ra không có chuyện ăn ở đây, mà là chuyện mặc thôi. Vâng! Tâm vẫn điên đầu về chuyện này và thường thổ lộ tâm tình với bạn là nó khổ sở ra sao. Nó khổ điên vì có nhiều quần áo quá; nào quần áo mặc đi học, nào quần áo mặc đi chơi, nào quần áo mặc lúc đi lễ nhà thờ, nào quần áo mặc vào dịp nhà có chuyện trọng thể (chẳng hạn như tiệc tùng, tiếp tân mà nhà nó thì tiệc tùng, tiếp tân không ngớt) hay đám cưới các anh chị nó. Tâm còn kể rằng khi ăn, nó phải mặc một thứ áo khoác riêng, nhưng điều này thì quá sức tưởng tượng của Hòa, nên Hòa không tin. Cho đến khi Tâm tức đến chảy nước mắt ra vì bị bạn cho là nói dóc, giơ tay thề, Hòa mới hết nghi ngờ.
Tâm vẫn nhìn các bạn cùng trường và cùng lớp của nó bằng đôi mắt thèm thuồng ao ước. Bởi quần áo nó quá sang, nó phải giữ gìn cẩn thận, giờ ra chơi cũng như giờ học, không được tự do chạy nhảy, leo trèo như các bạn. Tâm đứng đâu đứng yên, ngồi đâu ngồi thẳng chỉ những nơm nớp sợ nhầu nát bờ ly quần, nếp áo thì về nhà bị la rầy về tội ăn mặc không đúng “biên tơ nuy”. Có trời mới biết được biên tơ nuy là cái quái quỉ gì, riêng đối với Tâm thì ba tiếng đó rất là đáng ghét, đáng sợ, đầy đe doạ.
Mặc dù vậy, một lần nọ, Tâm ta quên phắt cái bổn phận phải “biên tơ nuy” của mình đi, lăm le nhập bọn với tụi thằng Hòa. Tức thì thằng bạn thân nhất của nó (thằng Hòa) lôi nó về với bổn phận liền, không do dự:
– Thôi! Đứng coi tụi tao chơi cũng vui rồi, đừng bày đặt…
Hòa coi vậy chớ khá tế nhị, nó không bao giờ muốn nói trắng ra sợ làm bạn buồn lòng, song đâu phải tất cả bạn bè đều tốt bụng như Hòa, cho nên trong đám đông có tiếng cười khung khúc và tiếng nói cất cao:
– Ông đừng nhập vô đây chi, lỡ rách áo, trầy da, tụi nghèo thêm… mệt!
Hoà gắt thằng vừa cất tiếng trêu Tâm:
– Thôi đi Sử, chọc tức nó làm chi? Bộ nó không phải là bạn của mình sao chớ?
– Ha! Binh hả? Binh nhà giàu hả? Nịnh hả? Chầu rìa hả?
Hoà nghe mặt mình bừng nóng, mắt mình bừng nóng, nó sừng sộ:
– Nói ai nịnh? Nói ai chầu rìa? Đồ chó! Muốn ăn thoi hở?
– Được! Nhào vô chơi! Coi đứa nào ăn…