“Bước vào khoảng trời của tuổi biết buồn, Nguyễn Nhật Ánh đã ghi lại những bâng khuâng rung cảm đầu đời. Trong tâm tưởng của các em, bây giờ không chỉ nghĩ về cái gì mà còn nghĩ về ai, về một người khác giới cụ thể nào, và về cả bản thân, thế giới ấy tràn ngập những câu hỏi xôn xao về cái-gọi-là-tình-yêu. Truyện của Nguyễn Nhật Ánh đã đưa vào những câu hỏi lớn, muôn thuở, quen thuộc – những câu hỏi mà dường như trong đời ai cũng từng đối diện ít nhất một lần. Vì thế, trong khi độc giả thiếu niên phục lăn vì nhà văn đi guốc vào bụng họ, thì độc giả người lớn mỉm cười mơ màng nhớ lại một thời thơ dại…” (TS. NGUYỄN THỊ THANH XUÂN, nhà nghiên cứu văn học)
Đôi khi tôi nằm mơ, những giấc mơ mùa hè với rất nhiều gió thổi qua cành dương liễu chạy dọc hàng rào ngôi trường thời trung học.
Năm đó, tôi học lớp chín. Một năm đáng nhớ, với rất nhiều mối tình đầu nảy nở ở cái tuổi chuẩn bị đặt chân vào cấp ba.
Đã có rất nhiều cặp đôi trong bọn tôi vào năm cuối cấp lắm chuyện vui buồn đó.
Chúng tôi thường chở nhau đi bằng xe gắn máy, bằng cách bịa ra đủ thứ lý do chính đáng để lừa các ông bố giao chìa khóa xe cho mình.
Từng cặp, cả bọn đèo nhau đi vào rừng sim, đi trên bãi đá Tiên Nông hay ra sông Ly Ly – những nơi chốn nên thơ nhất trong thị trấn.
Ra suối, bọn con trai cởi hết quần áo ném trên bờ, chỉ mặc độc cái quần xà lỏn nhào xuống nước, thi bơi chán lại chia làm hai phe, một phe leo lên một mỏm đá nhô giữa sông trấn giữ, còn phe kia cố sức đánh chiếm.
Trong khi bọn con trai bì bõm vật nhau và hò hét ầm ĩ, bọn con gái ngồi túm tụm dưới những rặng tre ngà, thủ thỉ trò chuyện và nhằn hạt dưa đem theo trong cặp sách.
Tôi không biết bọn con gái nói gì với nhau trong những lúc đó, thậm chí suốt những năm tháng đó. Ngay cả lúc ngồi sau yên xe, Thỏ Con nói với tôi những gì và tôi đã trả lời nó như thế nào, tôi cũng không nhớ rõ. Những giấc mơ cũng chẳng giúp tôi biết nhiều hơn, khi những trường đoạn Thỏ Con xuất hiện bên cạnh tôi những lúc riêng tư bao giờ cũng giống như những khúc phim câm. Có lần mẹ tôi bất ngờ xuất hiện trong những thước phim. Phát giác ra tôi cùng chiếc honda biến mất khỏi nhà ngay sau giờ cơm, mẹ tôi lặn lội đạp xe đạp đi kiếm tôi giữa trưa nắng chang chang. Chẳng phải mẹ tôi khắt khe gì với tôi, chẳng qua bà sợ ba tôi thức dậy sẽ biết tôi đánh cắp chìa khóa xe của ông rong chơi cùng bạn bè.
Trước khi tìm thấy tôi đang lặp ngụp giữa con sông Ly Ly, tôi đoán mẹ tôi đã lùng sục nhiều nơi khác.
Bà giận dữ gom hết quần áo của tôi và ba thằng bạn, cột thành một nùi trên yên xe sau, định bỏ về. Tôi chắc là bà rất mệt sau cuộc trường chinh tìm kiếm thằng con lêu lổng nên bà mới giận đến thế. Bốn đứa tôi đứng dưới sông, trông thấy mồn một cảnh mẹ tôi hăm hở tịch thu quần áo nhưng với những chiếc quần đùi mỏng teng dính bết vào đùi, chẳng đứa nào dám bước lên bờ.
– Cô ơi, cô! Tụi con lạy cô! Cô trả quần áo cho tụi con đi cô!
Trong khi ba thằng bạn tôi đứng ngâm nửa người dưới nước gân cổ đồng ca thì tôi chỉ biết mếu máo:
– Mẹ ơi!
Hôm đó, cuối cùng thì mẹ tôi cũng trả lại cho bọn tôi mớ quần áo, tất nhiên phần lớn nhờ những tiếng năn nỉ thảm thiết của bọn con gái đang vây quanh mẹ tôi. Tụi nó vừa túm ghi-đông xe vừa làm cách nào đó chỉ có tụi nó biết khiến cho nước mắt chảy vòng quanh như thể cả bọn sắp ngất. Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó. Mẹ tôi còn trở lại giấc mơ niên thiếu của tôi nhiều lần nữa. Như những gì tôi sắp kể ra sau đây…