Giôn Xơn mỗi lần gửi thêm phi công Hoa Kỳ sang thử lửa của Việt Nam thường ấp úng không nói rõ cho phi công nó biết đích danh địa điểm. Chỉ nói là đi Đông Nam Á. Sang đến Đông Nam Á rồi, đóng ở căn cứ Thái Lan rồi, đóng trên hạm đội VII rồi mà mỗi lần sắp đi đánh Việt Nam, thằng chỉ huy phổ biến mục tiêu cho thằng bay cũng giữ kín. Thằng bay chỉ được biết rõ hướng bay và mục tiêu Hà Nội, nhiều khi nó gọi tránh đi, không gọi tên mà lại gọi theo vị trí địa lý, gọi theo tọa độ “21 độ vĩ tuyến Bắc, 105 độ kinh tuyến Đông”. Tâm lý chung của phi công Mỹ là không thích bay vào Bắc Việt Nam. Nói lóng với nhau, chúng đã gọi Hà Nội là “tọa độ lửa” vì nhiều tên đã hút chết bởi lưới phòng không của Hà Nội.
Tôi tới thăm trận địa phòng không của tuyến lửa Hà Nội, nhìn súng cao xạ, bưng thử những viên đạn to bằng bắp vế, mà lại cứ nhớ cái hình tượng “tọa độ lửa” do phi công Mỹ “kính tặng” cho Hà Nội. Những chiến sĩ cao xạ thành Hà Nội rất nhiều người trẻ, trẻ quá. Có anh lại xinh như một cô gái quê đen giòn cái nước da bánh mật, một thứ đen giòn của gió nắng trận địa ngoài trời một trời lửa Hà Nội. Tôi kể cho anh nghe rằng phi công Mỹ nó gọi Hà Nội ta là “Tọa độ lửa”, anh cười ngay: trên khuôn mặt đen chắc, hàm răng trắng lóe nhanh như một làn chớp lành. Tôi lại bảo “đơn vị cao xạ ta mà làm kịch để dân vận địa phương, anh đóng vai nữ được đấy”, thì anh lại vẫn cười. Đâm thèm cái cười lành của anh pháo thủ trẻ. Có lẽ sau một ngày luyện pháo cật lực, lúc ngủ say, mặt anh cũng tươi giống đóa hoa như lúc tỉnh mà cười này. Và lúc anh không cười, ấy là những lúc giặc Mỹ lái máy bay luồn lách vào trời thủ đô, anh tập trung nhỡn lực vào đầu đại bác đang bắt lấy mục tiêu phản lực Mỹ.
Ở đơn vị cao xạ đây, người Hà Nội có, người Huế có, người Sài Gòn Lục tỉnh có đủ. Ngồi ở trận địa phòng không bờ sông Hồng mà nghe các anh ấy kể chuyện sông Hương phong trào Huế, sông Bến Nghé phong trào Sài Gòn mà thấy nóng lòng sốt ruột quá chừng. Chà, con người “thành đồng tổ quốc” đáng cho ta lạc quan lắm, nhưng cuộc sống Sài Gòn nay bị Mỹ nó phá quá chừng. Nam bộ làm ra thóc gạo, mà nay Sài Gòn phải ăn gạo Hoa Kỳ nó chở qua. Phố Tự Do Sài Gòn bây giờ đĩ mặc quần nilông hiện ra cả giữa ban ngày. Sự sống Sài Gòn nay nhất đĩ nhì Mỹ, Mỹ và đĩ là cùng một vần. Bảng giá trị xã hội Sài Gòn nay là “nhất Mỹ, nhì đĩ, tam sư, tứ tướng”. Hôm nào thanh toán xong bọn Mỹ mà cùng lên đường vào Huế Sài Gòn cùng một chuyến xe tàu! Còn đường sắt Xuyên Việt lúc ấy rồi nối lại cũng chóng thôi. Thêm nữa đường bể, đường mây rồi tha hồ phát triển. Tàu bể mất bốn ngày, tàu bay ba bốn tiếng đồng hồ. Tình hình Sài Gòn nay khá lắm. Mà tình hình Huế thì càng khá hung. Hôm 29 tháng 6 vừa rồi, Hà Nội bắt sống quan ba tàu bay Mỹ thì, cũng ngày đó, Huế diệt gọn một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ. Mùa xuân quân giải phóng Thừa Thiên diệt đồn A Xầu, tin chiến thắng ấy còn là xa xa đồn vọng về (A Xầu cách Huế dăm ngày đi bộ đường trường độc đạo) chứ bây giờ thì, đêm đêm Huế vẫn nghe súng Giải phóng từ ngoại ô vọng vào. Rồi nào là phá sập cầu Phò Trạch, cầu Mỹ Chánh, đánh An Cựu, An Hòa. Hè Huế năm ni con sông Hương xưa lặng trôi như rứa mà đã cồn sóng lắm rồi. Chao ôi, tại bến Thương Bạc xinh bé của Huế cổ kính nay có những cuộc mít tinh chống Mỹ hút đến năm vạn con người, một góc tư dân số kinh thành. Trước tinh thần vùng dậy của quân dân Huế, nay luôn luôn có tiếng Mỹ kêu rên nổi lên từ cái đài tiếp âm Hoa Kỳ đặt tại Gia Lê cách chợ Đông Ba có nửa giờ đạp xe. Sân bay Phú Bài chừ nhan nhản hàng sư lính thủy Mỹ đóng giữ. Thông núi Ngự Bình vướng đường đạn. Hoa Kỳ chặt trụi. Rồi xe tăng nghiến lên các bàn thờ Phật đặt trên hè phố. Rồi thằng quan năm Hoa Kỳ phụ trách sân bay Huế tên là Uyliam lại âm mưu biến Huế thành sở mộ phu đàn bà cho các hãng chớp bóng Mỹ. Khách sạn Huế, Mỹ còn bày ra cái trò phòng tắm phải có đàn bà địa phương kỳ lưng gãi lưng cho chúng. Một o bán chè bị ép vào làm công cho khách sạn, sau một buổi kỳ lưng Mỹ, đã bỏ về bỏ cả tiền lương tháng. Và sau đó một thời gian, bà con Huế thấy o xuất hiện giữa rạp xinê Gia Hội, miệng thì nói loa xôni tay thì rải biết bao chiếc nón bài thơ rất cổ truyền của Huế cổ điển, đã thấy in hằn lên những dòng khẩu hiệu “American go home – Mỹ cút đi”. Tà áo dài cô nữ sinh nào cũng buộc đá vào chéo lụa mà trở thành cây thiết lĩnh quật vỡ tất cả cửa kính thư viện Hoa Kỳ. Những trò nữ liền cùng trò nam nổi lửa lên mà đốt cháy rụi đống sách yêu ngụy của giặc Mỹ. Thấy càng bồi hồi nghĩ lại cái buổi sơ đầu Huế nhen lửa phong trào, có chị En cắt món tóc mây để in truyền đơn cứu quốc. In xong, cặp vợ chồng En đi rải truyền đơn chống Mỹ, chồng đạp xích lô, vợ ngồi trên xe mà rải…