Tôi còn nhớ mình đã đọc cuốn Đảo hoang này từ hồi bé tí, do bố mẹ mua cho. Hồi ấy tôi ấn tượng với một loạt những truyện của Tô Hoài: Chuyện nỏ thần, Đảo hoang, Dế mèn phiêu lưu kí…
Đọc Đảo hoang, tôi đã sống với Mon, với Gái, với Gấu, với An Tiêm và vợ. Có cảm giác như mình gặp lại Robinson Crusoe của Việt Nam. Câu chuyện sự tích về trái dưa hấu đột nhiên hiện lên rất thực, rất đời, và dường như nó không chỉ nói về sự tích trái dưa hấu.
Xin giới thiệu đến các bạn tác phẩm Đảo hoang của nhà văn Tô Hoài.
Ngược dòng thời gian, tác giả đưa ta về hoang đảo, nơi gia đình Mai Am Tiêm bị đày ải vì có ý coi thường ơn vua. Cuộc sống khó khăn nơi đây đã không khuất phục được những người con người khoáng đạt, tự do. Họ đã khai phá, tạo dựng nên những bãi bờ trù phú và đã tìm được một loại quả lạ, vỏ xanh, ruột đỏ, ngon ngọt mà ngày nay gọi là Dưa Hấu.
Ý chí của gia đình Mai An Tiêm là ý chí của những con người gan góc, dũng cảm trước thiên nhiên khốc liệt.
Bằng cảm xúc lãng mạn và bút pháp tài nghệ, nhà văn Tô Hoài đã thể hiện rất sinh động cuộc sống, tình cảm của con người trên Đảo Hoang.
Lời tác giả
Ông Trần Thế Pháp đời Trần viết Lĩnh Nam Chích quái – tập truyện ngắn đặc sắc của văn học cổ Việt Nam.
Truyện dưa hấu là một truyện trong Lĩnh Nam Chích quái. Truyện như sau: Đời Hùng Vương có người bầy tôi, khi bảy tuổi, vua mua được của thuyền buôn đem về làm đầy tớ, sau lớn lên, diện mạo đoan chính, nhớ thuộc các sự vật, vua đặt tên là Mai Yển hiệu An Tiêm, lại lấy vợ cho, sinh một trai một gái. Vua yêu, dùng làm quan, lễ lạt đầy nhà, không thiếu thức gì. An Tiêm sinh ra kiêu mạn, thường nói:
“Cái gì cũng là vật tiền thân của tôi cả”, không nghĩ đến ơn vua. Vua nghe thấy, giận lắm mà rằng:
“Mày là kẻ thần tử sinh kiêu mạn, không nhớ ơn vua, cái gì cũng bảo là của tiền thân, bây giờ bỏ mày ra nơi không có người ngoài bể xem mày có còn của tiền thân nữa không!”. Bèn đày ra ngoài cửa bể Nga Sơn, bốn bề toàn cát và nước, không vết chân người, chỉ để cho một số lương đủ ăn ít lâu, định cho ăn hết thì chết đói. Vợ An Tiêm than khóc. An Tiêm cười mà rằng:
“Trời sinh ta, tất trời nuôi ta, sống chết ở trời, ta có lo gì”. An Tiêm ở đảo được bốn tháng, bỗng thấy con chim trắng từ phía tây bay lại, đậu đầu núi, kêu lên ba bốn tiếng, sáu bảy hạt quả theo tiếng kêu mà rơi xuống bãi cát. ít lâu sau, những hạt ấy mọc lên cây xanh rì, rồi thành quả. An Tiêm mừng rỡ:
“Cái này không phải vật lạ, chính là cái trời cho để nuôi ta”. Bèn bổ ra mà ăn, thấy vị ngọt và mát, tinh thần sảng khoái. Về sau, mỗi năm trồng nhiều thêm ra, ăn không hết, gặp thuyền buôn đến, đem đổi lấy gạo. Nhân vì chim trắng ngậm hạt từ phía tây bay tới nên gọi là tây qua. Phường chài, phường buôn đều thích thứ dưa ấy: làng xóm xa gần thì đến lấy giống. Lâu rồi, vua nhớ tới An Tiêm, cho người ra chỗ đảo hoang xem còn sống hay chết. Sứ giả về tâu vua, vua than rằng:
“Thế ra cái gì cũng là vật tiền thân, không sai”. Bèn triệu An Tiêm về, phục chức cũ, lại cấp cho nô tỳ. Đặt tên nơi ấy là châu An Tiêm, chỗ xóm ở gọi là Mai thôn… trạng Vũ Quỳnh (1453- 1516) soạn lại tập Lĩnh Nam Chích quái Tưởng như chỉ một câu trong lời tựa của ông cũng đã viết nên niềm tự hào của dân tộc ta: Nước ta khởi đầu từ Hùng Vương, đã thật văn minh, qua Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần đến nay… Tôi hiểu nền văn minh ấy và câu chuyện dưa hấu là tinh thần sức mạnh lớn lao của dân tộc, là truyền thống chiến đấu chống thiên nhiên, chống ngoại xâm, giành quyền sống và phát triển qua tất cả các đời. Đất nước và con người Việt Nam
– Một bản hùng ca sôi nổi từ nghìn năm dựng nước tới nay trên bờ biển Đông. Năm 1925, Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật viết Truyện dưa hấu thành phiêu lưu tiểu thuyết Quả dưa đỏ. Thủa bé, tôi đọc Quả dưa đỏ của Đồ Nam Tử, giấc mơ kỳ ảo còn phấp phới đến tận bây giờ. Từ lâu, tôi có cái thích, và tôi ước làm được bài thơ về cái đảo hoang ấy một lần nữa.