Hai con voi thình lình nhô lên giữa làn nước đỏ xuộm trước lưỡi cát mỏng đầu bến. Nước nhếnh nhoáng như trát bùn đen nhánh lên mình voi. Không trông rõ được hai người cởi trần trùng trục, đen trũi, ngồi vắt vẻo trên lưng voi. Những ống chân voi đã nhấp nhô ngang mặt nước. Sóng sông ào ào xô vào theo. Đô Lỗ và Đô Nồi cưỡi voi qua sông chơi thăm cố Ông Trọng. Mới ít lâu không sang mà chỗ bến vào xóm nhà cố Ông Trọng, trông đã phong quang hẳn. Vừa như hôm nào, đưa Cao Lỗ ra bến, Ông Trọng bảo:
“Rác rưởi quá! Rác rưởi quá! Chỗ người ở thì phải cơ ngơi ra hồn, không được hôi hám bề bộn hang cày cáo thế này”. Quả nhiên, hôm nay đã thấy đổi khác như lời Ông Trọng. Cả một vùng bãi khủyu sông Cái trước mặt, những cây gỗ mục mùa lũ trên ngược trôi về, năm này năm khác, đọng cao như gò. Bây giờ không còn vết tích đâu nữa. Phía trên mớm nước, chỉ thấy sum suê những bụi chuối lá, chuối mắn -tàu dày như chiếc mo cau, xanh ngắt, kéo ngang thân xuống, che những buồng chuối lá gân guốc, những buồng chuối mắn tròn mẫm. Quá vào trong, những bãi ngô, bãi dâu xanh rợn. Liên tiếp xa đến hút mắt vẫn chỉ một màu xanh xanh lẫn lộn những bãi khoai lang dây bò bề bộn như cỏ rối. Những dây lang nổi chằng chịt, lá khoai tốt như lá ráy. Phảng phất, phía bãi nào cũng nghe tiếng hát, tiếng kèn lá chuối trẻ con quấn thổi chơi
– Mà không trông thấy người.
Cả Đô Lỗ, Đô Nồi cùng tấm tắc trong bụng: “Cố già ngoài trăm tuổi rồi mà vẫn nói gì làm nấy được!” Đô Lỗ chỉ tay ra vùng bãi khoai lang trước mặt, bảo Đô Nồi:
– Cố già tài thật, mới hôm nào chỉ thấy quạ với diều hâu đậu từng đám trên đống gỗ mục, bây giờ đã xanh rờn thế kia.
Cố Ông Trọng thọ ngoài trăm tuổi rồi. Mỗi năm, Ông Trọng lại cầm cái mũi lao đồng gạch một vạch đánh dấu tuổi vào chiếc mai rùa ở góc nhà. Thật ra, cả Đô Nồi, Đô Lỗ cũng chưa thể đứng hàng bạn vong niên của ông cố. Mà mới chỉ vào hàng cháu chắt chút Ông Trọng. Từ lúc còn bé, hai đô đã nghe người già kể ngày xưa vùng ta có một tay võ một mình đấu ngã hàng trăm người, đi đường gặp sông thì nhảy qua sông, gặp gò đống nhảy qua gò đống. Hai tay xách hai cái cối đá, lẳng một cái, vỡ đầu cả hai con hổ về làng rình bắt lợn. Năm Đô Lỗ ngoài hai mươi tuổi, nghe tin Ông Trọng ở xa về, Đô Lỗ thường đến thăm mừng. Có khi rủ Đô Nồi cùng đi. Ông Trọng hay cùng hai chàng trai trẻ ấy bàn bạc, thật hợp chuyện. Đôi khi lại thử sức võ, tập vật, đánh roi. Trong câu chuyện, trong mọi cách ăn ở, xử sự và tài nghệ, Ông Trọng hợp tính và quý hai người lắm. Ông Trọng thường khoe với khách đến chơi:
“Người được như Đô Nồi, Đô Lỗ không phải thiên hạ sẵn có đâu”.
Lần đầu tiên ấy, Đô Lỗ đến lạy mừng Ông Trọng. Đô Lỗ cũng như bao người các cõi, cũng như mọi người làng, cả cháu chắt cũng không ai biết mặt Ông Trọng. Nhưng tiếng tài Ông Trọng thì cồn như sóng cả bể Đông. Đâu đâu cũng thành câu chuyện kể đất nước ta có ông tướng đi trấn giữ Trường Thành nước Tần. Ông tướng trấn Trường Thành nước Tần nay đã về quê. Các vùng đồng bãi hai bên sông Cái đồn dậy lên, người người nô nức đến. Rồi tận các cõi Lục Hải, Ninh Hải, Chu Diên, Cửu Chân cũng trảy hội về… Đô Lỗ ở Vũ Ninh về đến bên kia sông, rồi ngồi nan sang. Từ bến lên, tấp nập đến lạ lùng. Người đánh trâu. Người khiêng lợn. Người gánh rượu. Có người vác ngược cả buồng chuối mắn chín vàng rộm. Vào đến trong xóm, càng rậm rịch. Người các nơi đến mừng Ông Trọng phải làm rạp trú ra tận ngoài bãi. Tiếng cồng sôi như nước vỡ. Ai cũng mừng được vào lạy Cố Ông Trọng. Đô Lỗ bước vào, trông lên thấy một cụ già quắc thước. Tóc râu và lông mày bạc trắng. Cố cao lớn khác hẳn mọi người, đến độ trông như không phải người thật. Cố cởi trần, da mồi đỏ hắt. Hai hàm răng đen rức, vẫn chưa rụng chiếc nào. Con mắt cố sáng ngời, hầu như ai nhìn, gặp ánh mắt cố, tự nhiên đã phải vòng tay, ý tứ vào khuôn phép. Đô Lỗ quỳ xuống, lắp bắp:
– Cháu là Cao Lỗ.
Ông Trọng cười ha hả:
– A, cháu là Đô Lỗ bên Vũ Ninh đấy à?
Đô Lỗ giật mình, kính phục đến chỉ biết đứng nép bên đầu gối Ông Trọng. Không còn nhớ mảy may nào về cái tiếng Đô Lỗ đã mấy năm nay một mình giữ giải vật đất Vũ Ninh. Nhãng đi, quên cả mình đương là tay đô đầu giải. Chỉ thấy ra như chú bé bi bô chơi bò quanh chân cụ cố. Đô Lỗ ở lại với Ông Trọng mấy ngày, cứ quanh quẩn bên cố như ông cháu. Ông Trọng vui chuyện với Đô Lỗ, có khi nằm chuyện rỉ rả đến khuya. Nghe tiếng vạc đi ăn đêm đã về trong bờ tre, mới chợt nhớ đã tảng sáng. Rồi Ông Trọng chỉ bảo cho Đô Lỗ những miếng vật nòi, và phép đánh roi, bắn nỏ. Đô Lỗ cảm thấy một nỗi sung sướng không biết đấu nào đong cho xiết nữa. Quả thực, Đô Lỗ đã nổi tiếng giỏi vật. Đô Lỗ đã nức danh đất Vũ Ninh, như Đô Nồi ở Hương Canh. Đô Lỗ thạo những miếng roi hiểm, Đô Lỗ lại biết cách bật nỏ một máng ra một lúc năm mũi tên. Nhưng trước Ông Trọng, Đô Lỗ lại tưởng mình chỉ là đứa trẻ ngẩn ngơ. Chẳng phải chỉ là nghĩ thế, mà có điều thật như thế. Những miếng vật Ông Trọng dạy cho, thoạt tưởng dễ, mà cực hóc hiểm. Người vật non chưa từng ngờ ra như thế bao giờ. Ông Trọng đã già lụ khụ. Thế mà khi Đô Lỗ vòng thử cho Ông Trọng ra miếng, tay Đô Lỗ đụng vào vóc mình cố già, cứ như xiết vào cây gỗ lim, gỗ chò. Ghê thật. Một hôm, Đô Lỗ thưa với Ông Trọng:
– Cố ơi! Cháu xin rước cố sang Vũ Ninh chơi.