Biết đâu địa ngục thiên đường là nhà văn mượn câu thơ trong Truyện Kiều để gửi gắm ý tưởng của mình. Nói như nhà nghiên cứu phê bình Từ Sơn “đây là vấn đề nóng bỏng của mọi kiếp người”, trong đó có tầng lớp trí thức ở những thời điểm lịch sử đầy biến động (từ 1930 đến 1975).
Khái niệm trí thức có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng dù hiểu cách nào đi nữa thì trí thức trước hết là người có học vấn, có kiến thức sâu rộng. Đảng và Bác rất coi trọng trí thức. Rất nhiều trí thức đi theo cách mạng đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, dựng xây đất nước như: Võ Nguyên Giáp, Tạ Quang Bửu, Đặng Văn Ngữ, Hải Triều, Đặng Thai Mai… Trong cơn biến động của lịch sử từ 1930 đến 1975, cũng có không ít trí thức rơi vào nghịch cảnh “éo le, bi thảm”. Nhà văn Nguyễn Khắc Phê chủ yếu tái hiện lại số phận của những trí thức không may ấy. Một trong số đó là cụ Huy. Cụ Huy không phải là nhân vật chính. Cụ chỉ được nhắc đến qua hồi ức của một số nhân vật. Tuy vậy, mọi biến cố trong Biết đâu địa ngục thiên đường hầu như đều bắt nguồn và có liên quan ít nhiều từ số phận của cụ. Với việc đỗ Hội nguyên lúc mười chín tuổi, cụ thuộc loại trí thức bậc cao của triều đình nhà Nguyễn. Mộng làm quan để giúp dân có cuộc sống yên ổn (an dân) tan vỡ khi cụ nhận ra cái nhục mất nước. Đó là bi kịch của cụ. Vì không theo lệnh đàn áp phong trào cách mạng năm 1930 ở Nghệ An, cụ bị điều vào Huế, ngồi chơi xơi nước. Dân chúng thì nghĩ cụ vào Huế “leo cao để trị cách mạng” xông vào đập phá nhà cụ. Cụ Huy bị kẹt “giữa hai làn đạn”. Cách mạng xem cụ là tay sai của thực dân Pháp. Quan thầy Pháp thì nghi cụ “tay trong” của cách mạng. Việc cụ viện cớ sức khoẻ suy giảm, xin về hưu trước tuổi là lối thoát để có thể tránh được “hai làn đạn” ấy. Cụ sống ẩn dật, thu mình, lấy y đức giúp bà con, làng xóm. Năm 1945, cách mạng thành công, nghe lời kêu gọi đồng bào đoàn kết, không phân biệt sĩ, nông, công, thương; không phân biệt giàu, nghèo, lương, giáo… của Hồ Chí Minh, cụ hết sức vui mừng. Cụ làm thơ ca ngợi Hồ Chí Minh và dự định đem hiến tất cả tài sản gia đình cho cách mạng. Thế mà một số cán bộ nhân danh cách mạng vẫn không tin tấm lòng thành thực của cụ. Họ bắt cụ giải lên tỉnh, tra hỏi suốt cả tháng trời. Thật là trớ trêu! Thời kháng chiến chống Pháp, giá như cụ không từ chối lời mời ra Việt Bắc dự cuộc họp Mặt trận Liên Viêt, biết đâu cụ sẽ tránh được tai hoạ thời CCRĐ (CCRĐ, cụ bị chính những người từng được cụ cưu mang, giúp đỡ đấu tố, vu oan). Nguyễn Khắc Phê tái hiện lại số phận bi thảm của của cụ Huy một cách khách quan, chân thật và điềm tĩnh. Nhà văn không hề tỏ thái độ hằn học, oán thù mà chủ yếu là chiêm nghiệm lẽ đời. Tác giả trình bày khá rạch ròi nguyên nhân dẫn đến tấm thảm kịch đau lòng của cụ Huy: Có một phần do biến động lịch sử đưa đẩy; có một phần do những kẻ nhân danh cách mạng làm càn; có một một phần do chính cái tính cương trực, thanh liêm, tự trọng của cụ. Tấm thảm kịch của cụ Huy là bài học đắt giá về cách ứng xử của những người nắm quyền lực đối với trí thức trong những thời điểm lịch sử nhạy cảm. Đây là vấn đề có tầm nhân loại chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi một nước, một địa phương nào.
Số phận của cụ Huy đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống gia đình cụ. Người chịu ảnh hưởng đầu tiên là Tâm. Nếu cụ Huy là trí thức phong kiến thì Tâm là trí thức Tây học (tốt nghiệp Đại học Sobonne). Toàn bộ cuốn tiểu thuyết Biết đâu địa ngục thiên đường chủ yếu xoay quanh hồi ức và tâm trạng của nhân vật Tâm, khi anh từ Đà Lạt ra Hà Nội thăm mẹ đang nằm viện, sau hai mươi năm trời xa cách. Vốn là giáo sư Triết, Tâm có nhân sinh quan, thế giới quan riêng của mình. Anh tin vào sự “ngẫu nhiên”, sự đưa đẩy của số phận (như chuyện anh thi hỏng trường Khải Định Huế phải vào học trường Thiên Hựu của giáo hội Thiên Chúa giáo). Tâm vốn nhút nhát, hay đắn đo do dự, sợ cảnh “vợ bìu, con ríu”, sức khoẻ có vấn đề… nên anh không dám nhận công việc rải truyền, rời bỏ đội Tuyên truyền xung phong, từ chối cuộc hôn nhân do bố mẹ sắp đặt… Đây là tâm trạng của Tâm sau khi từ chối việc rải truyền đơn: Mình hy vọng ở Việt Minh nhưng sao lại ngại nhập cuộc? Có thật mình sợ liên luỵ đến người khác hay đó chỉ là chiếc áo nguỵ trang cho sự hèn nhát? Những dòng độc thoại nội tâm ấy, đã phần nào khắc hoạ được tính cách của Tâm. Theo nghiệp tu hành, vừa là lòng đam mê Thiên Chúa giáo, vừa là lối thoát của anh. Điều oái oăm là anh trốn theo nhà thờ đúng vào thời điểm bọn phản động xui giục giáo dân ở một số vùng chống phá cách mạng. Vì vậy, người ta nghi cho anh theo giặc, là kẻ đào thoát “nguy hiểm”, mặc dù thực chất anh chỉ là một kẻ tu hành thuần tuý. Không chỉ mình anh chịu tiếng oan mà cả gia đình anh đều bị liên luỵ: Thời CCRĐ, cụ Huy vì chuyện đào thoát của anh mà thêm nặng tội; Thanh – em gái anh khó thăng tiến; Hưng – em trai anh chậm kết nạp vào Đảng… Tâm không ân hận về con đường tu hành mà mình lựa chọn. Anh quan niệm “cõi nhân gian bao nhiêu là con đường”, ai cũng có quyền chọn lựa cho mình con đường phù hợp và yêu thích. Cứ tưởng tu hành là có thể lên được cõi “thiên đường” nhưng thực tế nhiều lúc anh cảm thấy mình “như chiếc thuyền nan mong manh mà bờ bên Đời trĩu nặng lo toan anh đã đoạn tuyệt, nhưng bờ bên Đạo an lành thì vẫn xa tít mù khơi”. Trong Tâm chứa nhiều mâu thuẫn. Anh rất sợ cảnh “vợ bìu, con ríu” nhưng đôi khi anh cảm thấy “nỗi buồn bã, trống trải của cuộc sống cô đơn”. Anh tự nhận mình có tội với mẹ, với các em, với Dung – người con gái từng yêu thương anh tha thiết. Sau 1975, nghe tin anh bị bắt đi cải tạo, nhiều người nghĩ là anh làm tay sai cho địch, nhưng anh tin mẹ anh sẽ hiểu anh: “một kẻ không ham chi những lạc thú ở cõi trần, luôn sợ gió lạnh như anh thì chẳng thể làm chi nên tội với đất nước”. Bởi vững tin như vậy nên anh đã mạnh dạn trở về gặp lại mẹ, quê hương, bạn bè sau hai mươi năm lưu lạc. Và anh thực sự xúc động khi được sống trong tình cảm nồng ấm của quê hương, gia đình, bè bạn. Một kết thúc có hậu đối với Tâm. Nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã dày công tìm hiểu, lý giải khá thấu đáo những bước đường đời đầy bí ẩn, đầy éo le của nhân vật lạ lùng này. Thông qua nhân vật Tâm, tác giả muốn rút ra bài học về việc nhìn nhận đánh giá một con người: không nên vội vàng quy kết, chụp mũ. Theo Đạo hay Đời là tuỳ tâm, tuỳ tạng, miễn là phải sống “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần làm cho đất nước yên bình, hạnh phúc.
Cũng anh em một nhà, cũng là trí thức Tây học nhưng Thanh gần như đối lập với Tâm. Nếu Tâm nhút nhát thì Thanh gan dạ, dũng cảm. Nếu Tâm chần chừ thì Thanh quyết đoán, dứt khoát. Thanh đi theo cách mạng không chút phân vân, hoạt động một cách say sưa, hăng hái. Có thể xem Thanh là một trí thức thành đạt. Nhìn bề ngoài gia đình Thanh như một “thiên đường”: hai vợ chồng đều là quan chức nhà nước, con gái đi du học mới về, nhà cửa khang trang… nhưng mấy ai hiểu được cuộc sống bên trong của chị. Là một cán bộ cách mạng có uy tín nhưng chị vẫn không cứu được bố, đành để bố chết oan trong trại cải tạo. Chị có thừa năng lực nhưng vì “bố là địa chủ quan lại, anh trai có thái độ chính trị mập mờ” nên suốt đời phấn đấu, chị vẫn không được đề bạt vào chức vụ cao. Chị lại thường xuyên đi công tác xa và họp hành liên miên ít có thời gian chăm sóc chồng, nuôi dạy con cái… Cái tổ ấm hạnh phúc của chị vì thế đang có nguy cơ tan vỡ. Tác giả gửi gắm rất nhiều điều thông qua tính cách, lối sống của nhân vật này.
Đúng như câu Kiều mà bà cụ Huy thốt lên một cách đau đớn: Biết đâu địa ngục thiên đường! Đó cũng là chiêm nghiệm từ cuộc đời “dâu bể” của bà. Ai cũng nghĩ: cô gái ở vùng quê hẻo lánh lấy vị quan đỗ đại khoa, nào có khác chi vào chốn “thiên đường”. Ngờ đâu chốn “thiên đường” ấy phút chốc hoá thành “địa ngục”. Bà không phải là trí thức nhưng vì là vợ, là mẹ của các trí thức phong kiến lẫn Tây học nên chịu vạ lây. Dường như tất cả thảm kịch của chồng, con đều đổ lên đầu bà. Những trang tác giả viết về bà cụ Huy là những trang thấm đẫm nước mắt. Bà có nét đẹp chân chất của người phụ nữ thôn quê với “thân hình mảnh mai”, “mái tóc buông xõa”, “ánh mắt xanh non lấp lánh như những ngọn trầu không” và “đôi tay thon thả liền trầu nhanh thoăn thoắt”… Bằng đức tính đảm đang, tháo vát, cần kiệm bà đã tậu được cho gia đình chồng một cơ ngơi kha khá. Khối tài sản hiện có của gia đình cụ Huy là công sức, mồ hôi nước mắt của bà. Thế mà thời CCRĐ: Cùng với việc thầy tôi bị bắt là ruộng vườn, nhà cửa đều bị tịch thu… Không kiếm được cớ gì để bắt mẹ tôi… họ giở thủ đoạn hèn hạ… họ tìm cách vu oan cho mẹ tôi… Lập tức mẹ tôi bị lôi đi… Về sau, tôi hỏi sao mẹ có thể chịu đựng được những nỗi khổ nhục ngày ấy, mẹ tôi bảo “Mẹ tin ở cụ Hồ, mẹ chờ ngày thầy con được minh oan và chờ gặp lại anh Tâm. Mẹ tin anh ấy không chạy theo Tây như người ta nói… (trích từ sổ ghi chép của Hải – cô con gái út của cụ Huy). Mặc dù bị đẩy vào tình cảnh hết sức bi đát, bà vẫn vững tin vào sự anh minh của Bác, tin vào lẽ phải. Được gặp lại Tâm – đứa con “lạc đàn” nhưng “trong sạch” là niềm hạnh phúc muộn mằn mà cuộc đời ban tặng cho bà. Những nhân vật khác trong gia đình cụ Huy như nhà văn Hưng, cô giáo Hải đều chịu ảnh hưởng ít nhiều từ số phận bi thảm của cụ. Mà đâu chỉ gia đình cụ Huy, một số gia đình trí thức khác trong vùng như gia đình bà Tú Châu, gia đình ông Hàn… cũng chịu chung số phận như vậy. Ngay cả gia đình ông Huân vốn là “cách mạng nòi” vẫn bị nghi là “Quốc dân đảng”, “phản động”. Ông Huân uất quá cắn lưỡi tự tử. Trước khi chết còn hô đến ba lần: Hồ Chủ tịch muôn năm ! Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!
Trong tiểu thuyết Biết đâu địa ngục thiên đường, nhà văn Nguyễn Khắc Phê không né tránh những chuyện riêng tư, cấm kỵ. Giọng văn tự nhiên, thể nghiệm nhiều phong cách, nghệ thuật đồng hiện, đan xen quá khứ, hiện tại… Vì đây là cuốn tiểu thuyết có ít nhiều yếu tố tự truyện, soi chiếu lại những vấn đề khá nhạy cảm nên tác giả viết có phần máu thịt hơn, cụ thể, sinh động hơn nhưng cũng có phần thận trọng và kỹ lưỡng hơn so với những cuốn tiểu thuyết trước.