Trên đê Yên Phụ một buổi chiều mùa hạ.
Nước sông Nhị Hà mới bắt đầu lên to, cuồn cuộn chảy, tưong muốn lôi phăng cái cù lao ở giữa sông đi.
Theo dòng nước đỏ lờ đờ, những thân cây, những cành khô từ rừng về nổi lềnh bềnh, như một dãy thuyền nhỏ liên tiếp chạy thật nhanh tới một nơi không bờ không bến.
Ðứng trên đê, bác phó nề Thức đưa mắt trông theo những khúc gỗ ấy tỏ ý thèm muốn, rồi quay lại, đăm đăm nhìn vợ, hỏi thầm ý kiến. Người vợ, ngắm sông, ngắm trời, lắc đầu thở dài, nói:
– Gió to quá, mà đám mây đen kia ở chân trời đùn lên mau lắm. Mưa đến nơi mất, mình ạ !
Người chồng cũng thở dài, đi lững thững. Rồi bỗng dừng lại, hỏi vợ:
– Mình thổi cơm chưa ?
Vợ buồn rầu đáp:
– Ðã. Nhưng chỉ đủ cơm cho hai con ăn bữa chiều hôm nay.
Hai vợ chồng lại im lặng nhìn nhau… Rồi hình như cùng bị một vật, một định kiến nó thôi miên, nó kiềm áp, hai người đều quay lại phía sông. Những thân cây vẫn phăng phăng trôi giữa dòng nước đỏ.
Chồng mỉm cười, cái cười vơ vẩn, bảo vợ:
– Liều !
Vợ lắc đầu không nói. Chồng hỏi:
– Mình đã đến nhà bà Ký chưa ?
– Ðã.
– Thế nào ?
– Không ăn thua. Bà ấy bảo có đem củi vớt đến, bà ấy mới giao tiền. Bà ấy không cho vay trước.
– Thế à ?
Hai chữ “thế à” rắn rỏi như hai nhát bay cuối cùng gõ xuống viên gạch đặt trên tường đương xâỵ Thức quả quyết sắp thi hành một việc phi thường, quay lại bảo vợ:
– Này ! Mình về nhà, trông coi thằng Bò.
– Ðã có cái Nhớn, cái Bé chơi với nó rồi.
– Nhưng mình về thì vẫn hơn, cái Nhớn nó mới lên năm, nó trông nom sao nổi hai em nó.
– Vậy thì tôi về… Nhưng mình cũng về chứ đứng đây làm gì ?
– Ðược, cứ về trước đi, tôi về sau.
Vợ Thức ngoan ngoãn, về làng Yên Phụ.