Tập chí truyện chữ Hán của Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm (1659 – 1739), người huyện Hương Trà, nay là Thừa Thiên – Huế, từng làm quan to, phong tước hầu ở vùng cát cứ của chúa Nguyễn. Tác phẩm thảo xong (1719) với tên ban đầu “Nam Triều công nghiệp diễn chí”, được người đầu triều Nguyễn làm tựa, viết bạt, đổi tên là “VNKQCT”, được dịch, xuất bản với các tên “Trịnh Nguyễn diễn chí” (1986), “Mộng bá vương” (1990). Sách gồm 30 hồi, viết theo lối truyện chương hồi như “Tam quốc diễn nghĩa”. Nội dung kể chuyện lịch sử của hơn 130 năm, từ 1558 khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá, đến 1689 đời chúa Ngãi Nguyễn Phúc Trăn. Phần chính tập trung vào diễn biến của cuộc nội chiến ác liệt, kéo dài non nửa thế kỉ (1627 – 73) giữa chúa Trịnh ở Bắc Hà và chúa Nguyễn ở Nam Hà trên vùng đất thuộc Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… ngày nay. Với lối kể mang tính chất kí sự của một người nắm được nhiều tư liệu gốc, tác giả đã ghi lại diễn biến cuộc nội chiến ở một thời phân tranh đẫm máu, trong đó phần nhiều tướng lĩnh (Đào Duy Từ, Chiêu Vũ, Thuận Nghĩa…) nổi lên như những nhân vật của một cuốn tiểu thuyết lịch sử. Tác phẩm có giá trị sử học và đã được nhiều pho sử trước đây sử dụng.
(Từ điển bách khoa toàn thư việt nam – mục từ: “VIỆT NAM KHAI QUỐC CHÍ TRUYỆN”).