Nhất Linh, cha tôi trong tay, tôi biết viết gì đây, ngoài lòng ngậm ngùi vô hạn…
Gần như cả một thế kỷ trước ẩn hiện trước mắt, với bao nhiêu hình tượng xa xưa, từ lúc nhỏ còn ở nóc nhà tranh trên con đường đất sau nhà ga Cẩm Giàng im vắng trên đường xe lửa Hà Nội – Hải Dương; cho đến lớn lên đi học rồi bước vào cuộc sống muôn vàn của xã hội.
Cuộc đời thật là khó lường. Lúc chào đời có ai rõ vận mệnh của mình sẽ ra sao? Trong mắt tôi anh Tam là một người dong dỏng cao, đôi mắt sáng, hiền hậu, học giỏi, có đời sống gia đình bình thường. Việc vào trường Mỹ thuật Hà Nội cũng không có gì làm thay đổi nếp sống của anh. Có lẽ quan trọng nhất là việc anh sang Pháp học, không phải vì anh đã đỗ bằng cử nhân khoa học (lúc đó hiếm có) mà vì anh hấp thụ được làn không khí tự do và những quan niệm mới về dân chủ; đồng thời cũng nhận thức thêm về văn học Pháp.
Anh là một trong những thanh niên nhậy cảm nhất đối với trào lưu tiến bộ của nhân loại; không những thế, anh lại là người mang những ý nguyện vào thực hành, trong cả hai lãnh vực văn hoá và chính trị. Ít thấy ai đạt tới những thành tựu xuất chúng về toàn diện như vậy trong lịch sử cận đại. Ai cũng biết anh là một cây bút có biệt tài nhưng ngoài ra anh là người chính trong việc gây ra một trào lưu văn học mới ảnh hưởng sâu rộng tới xã hội Việt Nam thời ấy. Anh còn lôi cuốn được nhiều văn nghệ sĩ có tài như Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Tú Mỡ, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân… để lập ra Tự Lực Văn Đoàn. Đó là một thời kỳ phồn thịnh nhất của nền văn nghệ Việt Nam, và có lẽ thời kỳ phẩm chất rất cao với những tác phẩm còn lưu truyền đến tận bây giờ. Về sau, vì hoàn cảnh, vì chiến tranh, vì chia rẽ nên khó có điều kiện để nẩy sinh ra một thời kỳ giống như vậy nữa.