Di chúc Hồ Chí Minh là tên gọi thông dụng của một tài liệu bằng văn bản được viết bởi Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh, tên ban đầu của văn bản này do tác giả đặt tên là Tài liệu tuyệt đối bí mật và đây chính là toàn văn Bản Di chúc của Hồ Chí Minh.
Sau khi Hồ Chí Minh qua đời, tại một cuộc họp kín đặc biệt của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam được tổ chức vào sáng ngày 3 tháng 9 năm 1969 do Lê Duẩn chủ trì. Trong cuộc họp này, Phạm Văn Đồng giới thiệu để Vũ Kỳ chuyển đến Trung ương Đảng Lao động Việt Nam một tài liệu do Hồ Chí Minh viết. Tài liệu nằm trong chiếc phong bì to, tài liệu ghi “Tuyệt đối bí mật” – Đó là Di chúc của Hồ Chí Minh. Tài liệu tuyệt đối bí mật này có chữ ký chứng kiến của Lê Duẩn.
Tại cuộc họp đó, Vũ Kỳ báo cáo với Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, từ năm 1965, Hồ Chí Minh bắt đầu suy nghĩ và viết sẵn một số điều dặn lại cho toàn thể đảng viên và đồng bào của ông, phòng khi ông qua đời. Hồ Chí Minh dặn Vũ Kỳ, khi ông mất thì chuyển tài liệu này cho Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.
Ngày 9 tháng 9 năm 1969, tại Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chí Minh, một phần những trang viết trong tài liệu tuyệt đối bí mật đã được những nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng Lao động Việt Nam công bố với tên gọi là “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.