Có tiếng guốc bước lạch cạch ngoài ngõ. Chắc tiếng guốc của Tư. Cái vành mũ nan màu vàng nhạt đã lấp ló vào đầu tường kia. Đúng Tư. Tư cúi lom khom, rún chân bước lên thềm hè cao. Hai má Tư đỏ hồng. Đôi mắt Tư mở to đen láy, ngó trân trân. Tư nhìn tôi, cười nhe mấy chiếc răng sún khấp khểnh – “Cậu?”. Tôi cười: “Ô, Tư đã xuống”. Tôi nhấc chiếc mũ cho Tư. Cái đầu trọc, lăn tăn tóc tơ. Tư đặt cặp lên bàn. Tư thò tay vào ruột cặp, Tư moi sách. Rồi Tư trèo lên ngồi chiếc ghế đẩu kê một bên góc bàn viết của tôi. Tôi lấy bút chì, viết cho Tư một trang chữ mẫu. Tư cầm bút buông thọc vào bình mực. Quen lệ, Tư ngoáy bút một vòng cho ngòi viết chạm cót két xuống đáy lọ. Tư hơi cúi đầu. Hai mắt tròn vạnh, nhung thẫm ngước mở, say mê nghiêng theo những nét chữ rạm gai gợn, thô cứng. Thỉnh thoảng, Tư ngừng viết giơ nghênh quản bút. Đôi môi Tư hé cong, Tư ngó lơ đãng, vu vơ Tư hát. Ồ, Tư hát. Ấy, Tư hát. Tư líu ríu hát một điệu hát nhịp ngắn. Ơi, chim kia! Dừng cánh bay… Ta nhắn chim lời này… Lòng ai đầy thiết tha… rồi Tư lại cúi, lại hăm hở viết.
Mỗi buổi sáng từ làng trên xuống đây, Tư phải cắp cặp đi qua một cái chợ, một đoạn đường đá, lại một quãng đường đất với những ba cái cửa đình. Tôi dạy cho Tư mấy chữ vỡ lòng.
Năm nay Tư chưa đủ bảy tuổi. Tư chuyện líu ríu. Tư cười như con nắc nẻ. Buổi sớm mai, con chim Tư truyền đến căn buồng u tối của tôi, há mỏ hát líu lo. Lòng tôi bừng một niềm hy vọng, cái hy vọng thắm tươi mà ngờ nghệch. Tôi tin tưởng, tôi có quyền tin tưởng lắm chứ. Này đây một đoá hoa trong cánh rừng xuân mới rỡ ràng của những Ngày Lớn chúng ta đương nằm trong lòng bàn tay tôi, ơi người đồng chí thân mến.
Nhưng nhiều khi, tôi thoáng bâng khuâng buồn. Chao ôi những năm tháng nào mờ mịt. Trong kỷ niệm tôi một hình ảnh ngẩn ngơ gợi dậy, xóng bên cạnh cái bóng dáng lung linh hơn hớn của Tư. Ngày trước, ờ ngày trước, có một đứa trẻ cũng trạc tuổi của Tư ấy. Nó không biết cười. Đứng đâu nó đứng chôn chân xuống đất. Chọc miệng cũng không chảy ra được một tiếng. Đôi mắt đờ đẫn cứ gườm ngón chân. Một ngón tay nó tẩn mẩn đút lùa vào giữa hai hàm răng, hết gặm lại nhay, lại nhá, lại cắn. Mẹ nó mắng nó một câu. Tức thì nước mắt ràn ruạ ra xung quanh mí. Nó lên ngay điệu kèn hát khóc ê ê. Rõ thực xấu thằng bé mau nước mắt, Tư nhỉ.
Tư ôm cặp, đi về. Cậu cho tan học. Học trò có mỗi mình Tư. Lại không có trống tùng tùng. Tư buồn cười lắm. Cái vạt áo the hoa phấp phới khuất bên giàn thiên lý trước ngõ.
Tiếng guốc nhẹ khua lóc cóc ra đường cái, vẳng xa sang phía đầu tường đằng kia.
Tôi đặt bút trên lòng tờ giấy. Bụng cái ngòi bút chửa mọng mực óng ánh. Tôi viết rất nhanh những hàng chữ này hàng chữ lia ngoáy chạy thi với bao nhiêu hình, bóng loáng thoáng hiện, biến tới tấp. Những hàng chữ cong queo như những sợi thuốc lào vương vãi trên mặt giấy, bắt đầu cho câu chuyện thằng bé ngủ nhè ấy. Những ngày ấu thơ của nó leo hoang trong đám cỏ bên lề đường đi. Cỏ dại, cỏ không có tên rườm rà ken khít nhau bò ngẩn ngơ trong khoảng đất rác rưởi. Tất nhiên, nó chẳng giống Tư chút nào. Nó làm gì có cậu. Nó không có cậu, như cậu với Tư đây, cậu cháu mình. Lúc nào tôi cũng nghĩ đến Tư, khi tôi cầm bút chép mảnh truyện nhỏ này. Mỗi buổi sáng, mỗi sớm mai, cái hứng viết của tôi lại đến ngồi chõm choẹ trên chiếc ghế đẩu kia, hôm nay tươi tắn và hớn hở hơn hôm qua. Tư cười. Tư hát. Tư pha trò. Tư nhớ lâu, nhớ mới. Tư là con choi choi. Tư là con liếu điếu Tư vui, Tư dạn quá. Cậu viết sẵn những truyện này cho Tư. Bao giờ Tư lớn, biết suy tưởng đứng đắn, Tư sẽ đọc cậu.