Hai thế kỷ 17 và 18 lại cũng là thời kỳ “mở rộng cửa” của Đàng Trong đối với nền ngoại thương mà theo tác giả là nền tảng của sự sống còn của Đàng Trong dưới quyền họ Nguyễn, “gần bốn lần yếu hơn họ Trịnh ở Đàng Ngoài về mọi mặt”. Nói đến ngoại thương cũng là nói đến sự hiện diện của tàu bè và thương gia người Nhật, người Trung Hoa… và những người châu Âu như Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan… vì đây cũng là thời kỳ người châu Âu ồ ạt kéo nhau sang buôn bán và đặt căn cứ tại Đông Nam Á. Nghiên cứu về hai thế kỷ này của Đàng Trong không thể bỏ qua các nguồn tư liệu, trong thực tế rất phong phú và đa dạng, của những người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau để lại.
Công trình cho thấy tác giả đã khai thác được, bằng cách này hay cách khác, các nguồn tư liệu khác nhau này. Do đó, công trình nghiên cứu của tác giả đã cho chúng ta một cái nhìn tổng quát hơn và cũng có sức thuyết phục hơn về các vấn đề được bàn đến. Đây cũng là một ưu điểm được các nhà phê bình nhìn nhận. Tiếp xúc được với các tư liệu gốc là một trong những điều kiện tiên quyết để một công trình sử học có được những đóng góp mới, hay ít ra không đi vào con đường đã bị cày nát dưới bánh xe những người đi trước.
Và cũng để tránh lặp lại những gì người đi trước đã viết về Đàng Trong, tác giả đã chọn nhấn mạnh – mà không khuếch đại – những điểm khác biệt giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong. Nhưng dưới ngòi bút của tác giả, những sự khác biệt này, ngay cả khi tác giả đặt tiêu đề cho một chương trong công trình của mình là “Cuộc sống ở Đàng Trong: Hội nhập và sáng tạo”, đã không phá vỡ sự thống nhất của dân tộc Việt Nam mà trái lại đã làm cho sự thống nhất trở nên vô cùng phong phú và sống động, một sự thống nhất không đóng khung trong khuôn khổ nhưng chấp nhận sáng tạo và đa dạng.