Việt – Thanh Chiến Dịch là phần II trong một chuỗi biên khảo lịch sử bao gồm:
– Quyển I: Bối cảnh lịch sử cuối thế kỷ XVIII
– Quyển II: Việt-Thanh chiến dịch
– Quyển III: Thanh – Việt nghị hòa: Tiến trình công nhận triều đại Quang Trung
– Quyển IV: Phái đoàn Đại Việt và lễ Bát tuần khánh thọ của vua Cao Tông
– Quyển V: Bang giao Thanh – Việt triều Quang Trung
– Quyển VI: Bang giao Thanh – Việt triều Cảnh Thịnh
Tuy chỉ kéo dài khoảng 1/4 thế kỷ, nhưng giai đoạn này có những biến đổi mãnh liệt vượt qua ranh giới quốc gia hay chủng tộc. Chúng ta thấy có liên minh của vua Lê với các nhóm thiểu số vùng thượng du, của chúa Nguyễn với Xiêm La, Chân Lạp, người Lào vùng Trấn Ninh, Vạn Tượng và nhất là với các thế lực Âu châu. Chính lực lượng Tây Sơn cũng không phải là một sức mạnh thuần Việt mà có sự tiếp sức của người Thượng, người Hoa và nhiều nhóm người Chăm. Họ cũng có những tiếp xúc kỹ thuật, mua bán với Tây phương nhưng còn nhiều giới hạn. Sự can thiệp của Thanh đình tuy khuấy động những tập hợp đó trong một thời gian ngắn nhưng sau khi lớp băng mỏng thiên triều – phiên thuộc giữa Trung Hoa và Tây Sơn bị xóa mờ thì kết cấu khu vực trở lại như cũ, tranh chấp địa phương lại bùng nổ trước khi có thể ổn định, đồng nhất và chặt chẽ.