Nếu người Mỹ đọc cuốn sách này, tại sao người Việt Nam lại không?
Hãy tưởng tượng thế này. Bạn đang có 10 triệu đồng, và bạn quyết định kinh doanh. Trong 3 tháng đầu, bạn đạt được doanh thu lần lượt là 20 triệu, 30 triệu và 45 triệu đồng. Thật là một sự tăng trưởng doanh thu ấn tượng phải không? Chi phí trực tiếp giúp tạo ra doanh thu của bạn chiếm 60% doanh thu còn chi phí hoạt động chung hàng tháng là 10 triệu đồng/tháng. Từ đây, bạn rút ra được rằng bạn lỗ 2 triệu trong tháng đầu tiên, lãi 2 triệu trong tháng thứ hai, và lãi 8 triệu trong tháng thứ ba. Vậy là bạn nghĩ mình đang có một sự tăng trưởng lợi nhuận tốt. Thế nhưng liệu bạn có nên vui mừng không?
Đương nhiên là không, hay nói đúng hơn, là chưa nên vui mừng quá sớm. Các con số dù sao cũng chỉ là các con số và nếu bạn không hiểu được ý nghĩa đằng sau nó, thì chúng đều vô giá trị, nếu không muốn nói là cực kỳ nguy hiểm vì chúng có thể tạo ra ảo tưởng cho bạn. Đó chính là lý do bạn cần phải đọc cuốn sách này. Đúng như tên gọi của nó, Trí tuệ tài chính là một cuốn sách về tài chính nhưng không vì thế mà nó mất đi sự thú vị. Một cách tổng quát, cuốn sách sẽ dạy cho bạn cách đọc các bản báo cáo tài chính, chỉ ra những điểm quan trọng và lý do chúng quan trọng. Sau khi đọc xong cuốn sách này, bạn sẽ biết được rằng, thật ra, trong năm đầu tiên, doanh thu 20 triệu hoàn toàn chỉ nằm trong khoản phải thu khách hàng và phải 60 ngày nữa tiền mới về. Trong lúc đó, bạn phải trả 12 triệu đồng chi phí trực tiếp tạo ra 20 triệu doanh thu cho nhà cung cấp trong vòng 30 ngày tới. Vậy là trong tháng đầu tiên, bạn không thu về được đồng nào, phải trả 10 triệu chi phí chung, tức là lỗ 10 triệu, gấp 5 lần con số trong sổ sách. Sang tháng thứ hai, bạn tiếp tục thu về 0 đồng, phải trả 10 triệu chi phí chung, phải trả 12 triệu chi phí trực tiếp từ tháng đầu tiên, tức là lỗ 22 triệu, trái ngược hoàn toàn với con số trong sổ sách. Đến tháng thứ ba, bạn thu về 20 triệu từ tháng đầu tiên, phải trả 10 triệu chi phí chung và 18 triệu chi phí trực tiếp từ tháng thứ hai, tức là lỗ 8 triệu, một kết quả không lấy gì làm vui mừng. Giờ bạn đã hiểu sự nguy hiểm khi không hiểu rõ các con số rồi chứ?
Trí tuệ tài chính là một cuốn sách cực kỳ cơ bản, một cuốn sách về tài chính dành cho tất cả mọi người. Xin nhấn mạnh rằng, nó dành cho tất cả mọi người, từ người làm trong ngành tài chính đến người ngoài ngành, từ nhân viên cấp thấp đến quản lý cấp cao, bất cứ ai quan tâm đến tình hình tài chính của công ty mình hay bất kỳ đơn vị kinh doanh nào khác đều cần và đủ khả năng đọc cuốn sách này. Nó cơ bản đến mức khi xuất bản cuốn sách này tại Mỹ, các tác giả đã liên tục nhận được phản hồi của người đọc rằng dù rất thích nhưng họ cần những cuốn sách viết ở trình độ cao hơn. Tuy nhiên, nếu ai nghĩ rằng mình không cần đến cuốn sách này thì hãy dành vài phút để làm bài kiểm tra trắc nghiệm trong sách. Đó cũng là cách các tác giả trả lời cho phản hồi trên của độc giả để rồi sau đó, các độc giả đều biết họ cần cuốn sách này vì rõ ràng họ không biết nhiều như họ nghĩ. Cuối cùng, hãy nhớ rằng, nếu những người Mỹ được hưởng nền giáo dục về tài chính và kinh tế tốt nhất thế giới còn cần đọc nó thì thật vô lý khi những người Việt Nam như chúng ta lại không quan tâm và tìm đọc.
THẾ NÀO LÀ TRÍ TUỆ TÀI CHÍNH?
Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã làm việc với hàng ngàn nhân viên, nhà quản lý và lãnh đạo ở các doanh nghiệp của Mỹ, giảng giải cho họ về khía cạnh tài chính trong hoạt động kinh doanh. Triết lý của chúng tôi là mọi thành viên của doanh nghiệp sẽ làm việc tốt hơn, một khi họ hiểu thành công tài chính được đo lường như thế nào, và họ có ảnh hưởng ra sao đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Trí tuệ tài chính (Financial intelligence) là thuật ngữ mà chúng tôi dùng để nói về khả năng “thông hiểu” đó. Như chúng ta đều biết, trí tuệ tài chính càng cao sẽ giúp mọi người càng cảm thấy gắn kết và tận tâm. Mọi người hiểu rõ hơn thứ mà mình là một thành phần hợp nên, thứ mà tổ chức đang cố gắng đạt đến, và cách thức mà mình tác động đến kết quả. Lòng tin tăng lên, mức độ luân chuyển nhân sự giảm xuống, và kết quả tài chính cải thiện.
Chúng tôi đi đến triết lý này bằng nhiều con đường khác nhau. Karen tiếp cận bằng con đường học thuật. Luận án tiến sỹ của cô tập trung vào câu hỏi liệu việc chia sẻ thông tin và hiểu biết tài chính từ phía nhân viên và các nhà quản lý có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp không? (Câu trả lời là có). Sau đó, Karen trở thành chuyên gia đào tạo tài chính, và thành lập Viện Business Literacy, với mục đích giúp đỡ mọi người tìm hiểu về tài chính. Joe có bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh chuyên ngành tài chính, nhưng phần lớn kinh nghiệm đào tạo tài chính cho các tổ chức của anh lại là từ thực hành. Sau một thời gian làm việc cho tập đoàn Ford Motor và một vài công ty nhỏ, anh gia nhập công ty khởi nghiệp Setpoint Systems and Setpoint Inc., chuyên sản xuất hệ thống tàu lượn siêu tốc và thiết bị tự động hoá nhà máy. Với tư cách là giám đốc tài chính (CFO) của Setpoint, anh nhận ra ngay tầm quan trọng của việc đào tạo để các kỹ sư và nhân viên khác hiểu về cơ chế vận hành của doanh nghiệp. Năm 2003, Joe tham gia cùng Karen trong vai trò đồng sở hữu Viện Business Literacy, và kể từ đó, anh đã làm việc cùng hàng chục công ty trong vai trò chuyên gia đào tạo tài chính.
Chúng tôi muốn nói đến điều gì qua từ trí tuệ tài chính? Nó không phải một dạng năng lực bẩm sinh mà bạn hoặc có hoặc không. Cứ cho là một số người giỏi về các con số hơn những người khác, và một số nhân vật huyền thoại dường như có năng lực trực giác tài chính vượt xa khỏi hiểu biết của chúng ta. Nhưng đó không phải điều chúng tôi đang nói đến ở đây. Đối với hầu hết các nhà kinh doanh – kể cả chính chúng tôi, trí tuệ tài chính không là gì khác hơn một tập hợp những kỹ năng mà ta phải học và có thể học. Những người làm việc trong lĩnh vực tài chính rèn luyện các kỹ năng này từ sớm, và trong suốt thời gian còn lại của sự nghiệp, họ có thể nói chuyện với người khác bằng thứ ngôn ngữ chuyên ngành. Hầu hết (chứ không phải tất cả) các nhà điều hành cấp cao hoặc có xuất phát điểm từ tài chính, hoặc đã tích lũy các kỹ năng này trên hành trình thăng tiến, chỉ bởi thật khó điều hành một doanh nghiệp nếu không hiểu nổi dân tài chính nói gì. Những nhà quản lý không làm tài chính thường xuyên gặp vận rủi. Họ không bao giờ tích lũy các kỹ năng này, và vì thế, họ bị gạt ra rìa.
Về cơ bản, trí tuệ tài chính có thể đúc rút thành 4 nhóm kỹ năng riêng biệt, và khi hoàn thành xong cuốn sách này, bạn cần thành thạo cả bốn. Đó là:
Thông hiểu kiến thức cơ bản. Những nhà quản lý thông minh về tài chính hiểu rõ các yếu tố cơ bản trong phép đo lường tài chính. Họ có thể đọc báo cáo kết quả kinh doanh, bảng cân đối thu chi, và báo cáo dòng tiền. Họ biết lợi nhuận khác tiền mặt chỗ nào. Họ hiểu tại sao bảng cân đối thu chi lại… cân đối. Những con số không làm họ sợ hãi hay hoang mang.
Thông hiểu thủ thuật. Tài chính và kế toán vừa là một môn nghệ thuật, vừa là một môn khoa học. Hai ngành này phải cố định lượng những thứ không phải lúc nào cũng có thể định lượng, và do đó, chúng phải dựa vào các quy tắc, ước tính và giả định. Các nhà quản lý có trí tuệ tài chính có thể xác định đâu là nơi khía cạnh nghệ thuật tài chính được áp dụng vào các con số, và hiểu rõ những cách áp dụng khác nhau có thể dẫn đến những kết luận khác nhau như thế nào. Vì lẽ đó, họ sẵn sàng đặt câu hỏi và chất vấn các con số khi thích hợp.
Thông hiểu phép phân tích. Một khi đã có hiểu biết nền tảng và đúng đắn về nghệ thuật tài chính, bạn có thể sử dụng thông tin để phân tích các con số ở tầng sâu hơn. Các nhà quản lý có trí tuệ tài chính không lùi bước trước các con số tỷ lệ, phép phân tích tỷ suất hoàn vốn đầu tư (ROI – return of investmet), và các vấn đề tương tự. Họ sử dụng những phân tích này để có thêm thông tin cho quyết định của mình, và nhờ thế mà có quyết định sáng suốt hơn.
Thông hiểu bức tranh toàn cảnh. Cuối cùng, mặc dù là những người giảng dạy tài chính, và mặc dù cho rằng tất cả mọi người cần thông hiểu phương diện con số trong hoạt động kinh doanh, song chúng tôi cũng tin chắc rằng con số không thể và không nói lên toàn bộ câu chuyện. Kết quả tài chính của một doanh nghiệp phải luôn được hiểu trong bối cảnh – tức là, trong khuôn khổ của một bức tranh toàn cảnh. Các yếu tố như nền kinh tế, môi trường cạnh tranh, các quy định chính sách, nhu cầu và kỳ vọng đang thay đổi của khách hàng, và công nghệ mới, tất cả đều tác động đến cách thức diễn giải các con số và những quyết định cần được đưa ra.
Nhưng trí tuệ tài chính không dừng lại ở việc học qua sách vở. Cũng như hầu hết các ngành học và nhóm kỹ năng, đó chắc chắn là thứ không chỉ cần học suông, mà còn phải thực hành và ứng dụng. Về mặt thực hành, chúng tôi hi vọng và mong đợi cuốn sách sẽ chuẩn bị để bạn có thể làm được những việc sau:
Nói được ngôn ngữ. Tài chính là ngôn ngữ kinh doanh. Dù bạn thích hay không thì điểm chung duy nhất giữa mọi tổ chức vẫn là các con số và cách mà chúng được kê khai, phân tích và báo cáo. Bạn cần sử dụng thứ ngôn ngữ này để được nhìn nhận nghiêm túc và giao tiếp hiệu quả. Cũng như với bất kỳ ngôn ngữ mới nào, bạn không thể mong đợi có thể nói lưu loát ngay lập tức. Đừng lo – cứ nhảy vào và thử sức. Bạn sẽ dần tự tin hơn khi dấn thân vào.
Đặt câu hỏi. Chúng tôi muốn bạn nhìn các báo cáo và phân tích tài chính bằng con mắt chất vấn. Điều này không có nghĩa là chúng tôi cho rằng những con số bạn xem nhất định không ổn. Chúng tôi chỉ đơn thuần tin rằng, việc hiểu các câu hỏi cái gì, tại sao và như thế nào về những con số mà bạn sử dụng để ra quyết định là vô cùng quan trọng. Bởi mỗi công ty mỗi khác, nên đôi khi, cách duy nhất để hiểu được tất cả những thông số đó là đặt câu hỏi.
Sử dụng thông tin. Sau khi đọc xong cuốn sách này, bạn sẽ biết thêm rất nhiều thứ. Vậy hãy sử dụng chúng! Dùng chúng để cải thiện dòng tiền. Dùng chúng để phân tích dự án lớn tiếp theo. Dùng chúng để đánh giá kết quả của công ty. Công việc của bạn sẽ càng thú vị hơn, và tác động của bạn lên hoạt động của công ty sẽ càng mạnh mẽ hơn. Từ vị trí có lợi thế của mình, chúng tôi rất thích gặp gỡ những nhân viên, nhà quản lý, và lãnh đạo có thể nhìn thấy mối liên hệ giữa kết quả tài chính và công việc. Họ dường như đột nhiên biết cả việc mình đang làm, lẫn lý do tại sao mình lại làm những việc đó.
Vì lẽ đó, chúng tôi hi vọng, cuốn sách này sẽ hỗ trợ các bạn phát triển trí tuệ tài chính của mình. Chúng tôi hi vọng nó sẽ giúp các bạn thành công hơn cả trong cuộc sống cá nhân cũng như trong công việc. Chúng tôi hi vọng nó cũng sẽ giúp công ty bạn gặt hái được nhiều thành tựu hơn. Song trên hết, chúng tôi cho là, sau khi đọc xong cuốn sách này, bạn sẽ có thêm chút động lực, thêm chút hứng thú, và thêm chút hào hứng với việc tìm hiểu một khía cạnh hoàn toàn mới của công việc kinh doanh.
Tham khảo thêm:
Nguồn: Downloadsachmienphi.com