Từ vài thập kỷ qua, châu Á đang nổi lên như một trung tâm kinh tế phát triển năng động nhất thế giới. Vậy các tập đoàn đa quốc gia và các công ty của châu Á đã làm thế nào để mang lại sự thành công trong một môi trường kinh doanh toàn cầu với sức ép cạnh tranh ngày càng lớn và khốc liệt hiện nay?
Cuốn sách Trí tuệ kinh doanh châu Á sẽ góp phần giúp bạn đọc trả lời câu hỏi đó thông qua việc giới thiệu kinh nghiệm của 32 nhà lãnh đạo kinh doanh tiêu biểu của khu vực. Qua cuốn sách, bạn đọc sẽ hiểu rõ khối óc và trái tim của những Giám đốc điều hành (CEO-Chief Executive Officer) hay những người sáng lập những tập đoàn hùng mạnh của châu Á như Konosuke Matsushita, Người sáng lập Tập đoàn Matsushita; Ryuzaburo Kaku – Chủ tịch Canon, Nhật Bản; Stan Shih – Người sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn Acer, Đài Loan; Koji Kobayashi, Chủ tịch danh dự, Công ty NEC Nhật Bản; Chung Po-Yang, Người sáng lập và Chủ tịch Emeritus DHL International Ltd. Hồng Kông; Cheong Choong Kong của Singapore Airlines… Dù khác biệt về tuổi tác, ngành nghề và văn hoá thì tất cả đều chia sẻ một triết lý kinh doanh đúng đắn vì cộng đồng. Chính những triết lý đó đang truyền cảm hứng và mở đường cho thế hệ lãnh đạo trẻ của châu Á trong thế kỷ 21 này.
Các bài viết được chia thành sáu phần theo từng chủ đề riêng và mỗi bài có đi kèm với giới thiệu tóm lược thành tựu kinh doanh của các CEO để độc giả tiện tham khảo.
Phần I: Triết lí quản trị trình bày niềm tin và triết ký kinh doanh giúp các CEO thành công trong kinh doanh.
Phần II: Thấm nhuần văn hoá công ty, đưa ra những bài học thực tiễn của các CEO biến các giá trị trừu tượng thành môi trường thúc đẩy sáng kiến, khuyến khích mọi người làm việc vì mục tiêu chung.
Phần III: Tinh thần doanh nghiệp: Các CEO tìm kiếm những thử thách mới, đồng thời vẫn tiếp tục duy trì được tinh thần doanh nghiệp khi quy mô của công ty ngày càng mở rộng.
Phần IV: Những bài học từ Trung Quốc, giới thiệu cách thức các CEO đối mặt với thử thách khi môi trường kinh doanh ở thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng và thách thức đang thay đổi.
Phần V: Các chiến lược marketing và bán hàng trình bày cách thức và các kỹ năng quảng cáo và marketing hiệu quả mà các CEO áp dụng.
Phần VI: Quản lí trong các thời điểm khó khăn kể lại những kinh nghiệm đáng giá của các CEO trong quá trình vực dậy các công ty yếu kém và vượt qua những trở ngại.
Đây là cuốn sách khám phá trí tuệ những nhà lãnh đạo kinh doanh hàng đầu trong khu vực và chúng tôi tin rằng các doanh nhân, các nhà quản lý, các sinh viên ngành quản trị kinh doanh, hay bất cứ ai đang mưu cầu một cuộc sống hạnh phúc, thịnh vượng và tiến bộ cho bản thân, cho doanh nghiệp và cho cộng đồng đều sẽ tìm thấy ở Trí tuệ kinh doanh châu Á những triết lý kinh doanh, những ý tưởng độc đáo, và những bài học làm hành trang trên con đường của mình.
Niềm Khát Khao Thành Công
“Sự chân thành mang lại sự tin tưởng, sự tin tưởng mang lại sự tôn trọng, và sự tôn trọng giúp bạn dẫn dắt tập đoàn của mình.”
Kazuo Inamori
Người sáng lập, Chủ tịch danh dự Công ty Kyocera
Người sáng lập Công ty DDI, Nhật Bản
Kazuo Inamori, sáu mươi tám tuổi, thành lập Công ty Kyocera hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, bằng cách vay 10.000 đô la từ một người bạn. Triết lý của Inamori là “đừng bao giờ là nô lệ của đồng tiền”. Theo tuần báo Newsweek, công ty này ra đời vào năm 1959 chỉ vỏn vẹn với 28 nhân viên, dần dần đã phát triển thành nhà sản xuất hàng đầu về các linh kiện bán dẫn và các sản phẩm truyền thông, điện tử với trên 37.000 nhân viên ở Nhật Bản và nước ngoài. Kyocera cũng sở hữu 25% Công ty DDI – công ty truyền thông số hai ở Nhật Bản.
Inamori, người được Thời báo Financial Times của London xếp vào danh sách hai mươi doanh nhân được ngưỡng mộ nhất thế giới trong năm 1998, đã đặt niềm tin vững chắc vào triết lý “làm điều đúng đắn – do what is right” trong các hoạt động kinh doanh của mình. Tinh thần công dân của ông được phản ánh trong phương châm công ty Kyocera: Kei – Ten Ai – Jin, có nghĩa là “tôn kính thượng đế và thương yêu con người”. Ông nghiền ngẫm về các thành ngữ thể hiện tầm quan trọng của việc quan tâm tới người khác và nghĩ về những điều tốt đẹp của xã hội. Tờ Financial Times đã viết “Những châm ngôn này đã định hình nền tảng triết lý của động lực kinh doanh phi thường và sự tự tin. Ðó chính là nguồn gốc cho sự thành công của Inamori.”
Lòng mộ đạo của Inamori đã khiến ông trở thành một Thiền sư vào năm 1997. Ông trả lời phỏng vấn trên Tuần báo Newsweek rằng “Người quản lý có thể học hỏi và thu lượm được nhiều điều bổ ích từ những châm ngôn của Phật giáo.” Mặc dù trước đây, ông từng thông báo ý định dành thời gian còn lại của cuộc đời để “thiền định tâm tưởng”, nhưng Inamori nói rằng ông sẽ tiếp tục cố vấn và chỉ đạo Kyocera và DDI, dựa trên cả triết lý và kỹ năng kinh doanh của mình.
Đoạn trích dẫn sau được rút ra từ cuốn Niềm khao khát thành công (1995), trong đó Inamori chia sẻ các triết lý mà ông đã sống và TRÍ TUỆ KINH DOANH CHÂU Á 16 làm việc trong bốn thập kỷ – các triết lý đó có thể làm biến đổi bản chất kinh doanh tự phát của nhiều doanh nghiệp cũng như cá nhân.
Tài năng lãnh đạo là bẩm sinh hay trưởng thành qua đào tạo?
Tôi thường suy tư về câu hỏi này. Tôi nghĩ câu trả lời là “cả hai”. Giống như có các vận động viên điền kinh, nhạc sĩ hay họa sĩ bẩm sinh, cũng có những người sinh ra đã có khả năng lãnh đạo và lôi cuốn quần chúng một cách tự nhiên.
Nhưng tôi cũng tin rằng hầu hết mọi người có thể tự đào tạo để trở thành một nhà lãnh đạo tài ba, thậm chí là xuất chúng. Điều quan trọng hơn khả năng lãnh đạo bẩm sinh đó là những nỗ lực mà các nhà lãnh đạo phải thực hiện và những nguyên tắc, chân lý căn bản làm nền tảng cho công việc lãnh đạo của họ. Tình huống bi kịch nhất là một nhà lãnh đạo tài năng với lối tư duy tiêu cực đưa tập đoàn của mình đi chệch hướng hoặc dẫn tới tự huỷ hoại.
Những tư duy thành công của tôi
Tôi không đầu hàng cho tới khi thật hài lòng với kết quả đạt được. Thất bại chỉ là một trạng thái tinh thần. Tôi không triển khai dự án quan trọng nào cho tới khi hoàn toàn tin tưởng vào giá trị lớn lao của nó. Khi đó, tôi không có lý do để từ bỏ nếu gặp trở ngại. Nếu phương án này không thành công, tôi tìm kiếm phương án khác cho tới khi tôi tìm được cách đạt được mục tiêu đích thực của dự án. Đôi khi tôi phải hết sức kiên nhẫn.
Làm thế nào để quản lý những nhân viên thiếu hiệu quả
Tất cả chúng ta đều có những khả năng khác nhau. Một vài người có khả năng rất cao còn số khác thì kém hơn. Nhưng miễn là các nhân viên tích cực và thực sự nỗ lực thì các giám đốc cần đối xử tốt với họ, bất kể khả năng đóng góp của họ. Các giám đốc cần xác định những điểm mạnh của người lao động và tìm một vị trí thích hợp trong tổ chức để họ có thể đóng góp nhiều hơn.
Khi thấy những người lao động có thái độ tiêu cực, chúng ta hãy cố gắng trao đổi với họ. Chúng ta cố gắng chỉ ra cho họ thấy thái độ tích cực có vai trò quan trọng như thế nào đối với mỗi cá nhân cũng như đối với công ty. Trong trường hợp cực đoan, chúng ta thậm chí có thể đề nghị họ tìm một công ty hay công việc khác mà họ cảm thấy có thể hoạt động tích cực hơn và do vậy, sẽ hiệu quả hơn. Những người lao động tiếp tục có thái độ tiêu cực sau một thời gian, sẽ tự động rời bỏ công ty.
Những nỗ lực hàng ngày và các kế hoạch hàng năm
Trong suốt cuộc đời mình, tôi luôn tin tưởng rằng cách tốt nhất để dự đoán tương lai là hàng ngày làm việc nghiêm túc và coi ngày mai là sự mở rộng các nỗ lực của ngày hôm nay. Nói cách khác, nếu bạn muốn ngày mai sẽ trở thành điều bạn hy vọng, thì hôm nay, bạn phải làm việc cật lực và hoàn thành việc đã định ra. Ở công ty Kyocera, chúng tôi hầu như tin vào các kế hoạch sáng suốt của từng năm. Tôi tin điều quan trọng là phải có một tầm nhìn mà chúng ta muốn hướng đến. Những kế hoạch dài hạn sẽ làm cho chúng ta thành những kẻ nói mò hoặc khiến chúng ta giống như các thầy bói.
Sự chân thành là một phẩm chất lãnh đạo
Sự chân thành mang lại sự tin tưởng, sự tin tưởng mang lại sự tôn trọng, và sự tôn trọng giúp bạn dẫn dắt tập đoàn của mình. Chúng ta thường nghĩ sự tôn trọng là một tính cách của các nhà giáo hay giáo sư nên việc đề cao sự tôn trọng đối với các nhân viên điều hành kinh doanh là một suy nghĩ khá lạ lùng. Tuy nhiên, để khiến các nhân viên của bạn xích lại gần nhau, hãy sử dụng những khả năng tốt nhất của họ và phát triển năng lực của họ, bạn phải chia sẻ quan hệ làm việc dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Sự tin tưởng này không thể có được trừ khi người lãnh đạo là một người chu đáo, chân thành và quan tâm tới người khác.
Tham khảo thêm:
- Thị Trường Và Đạo Đức
- Trí Tuệ Kinh Doanh Và Lý Thuyết Trò Chơi
- Lương Văn Can – Xây Dựng Đạo Kinh Doanh Cho Người Việt
Nguồn: Downloadsachmienphi.com