Làm sao lời có thể truyền được thông điệp vô lời? Có thể nói gì về thầy đã chứng ngộ? Tinh hoa của thông điệp vượt ra ngoài lời nói này là ngược đời, và Osho cùng Trang Tử yêu cầu chúng ta chấp nhận ngược đời, gạt tâm trí và logic sang một bên, và trở thành trống rỗng. Chỉ khi làm trống rỗng những ước định, ý tưởng và những trông đợi của chúng ta – bản ngã của chúng ta – chỉ thế thì chứng ngộ mới trở thành của riêng chúng ta.
Trang Tử hàng nghìn năm trước đây, và Osho ngày nay, hợp sức làm cho chúng ta thành không ai cả, thuyền rỗng, người có thể nhận được cái vô lời, cái vĩnh hằng họ là hiện thân.
Trong những bài nói này, Osho đã nêu một cách rất hiển nhiên rằng trong tình trạng hiện tại của chúng ta về hiện hữu/làm, không có chỗ cho cái vô lời đi vào trong chúng ta và đọng lại. Nó vẫn có đấy chờ đợi không gian trống rỗng trong chúng ta; những bận tâm, những kế hoạch đã đóng cánh cửa lại và chúng ta lỡ mất điều đó. Nhưng bất kì nỗ lực nào để đạt tới cái trống rỗng này đều làm lộ ra điều ngược đời – nỗ lực và tham vọng xây dựng nên bản ngã và đầy đoạ chúng ta vào thất bại chung cuộc. Vậy chúng ta có thể làm được gì?
Osho nói cho chúng ta rằng chẳng có gì phải làm cả, tất cả mọi việc làm đều là do bản ngã. Nhưng chúng ta có thể ở trong trạng thái cảm nhận, chúng ta có thể cởi mở và chấp nhận sự tồn tại. Vượt qua tâm trí phê phán và lời của Người sẽ lắng vào trong chúng ta, sẽ chìm sâu vào trong chúng ta, và chúng ta trở thành giống như thuyền rỗng.
Cân nhắc về những lời lẽ, những ý nghĩa của chúng, là con đường dẫn tới lẫn lộn. Osho hay dùng mâu thuẫn như một kĩ thuật và thông qua nó đề cập đến tất cả các kiểu cá tính, Người biết mọi thoái thác xoắn xuýt của bản ngã, mọi mưu mẹo của tâm trí; Người đã đi lên trước nhiều bước. Osho không định biến chúng ta thành nô lệ cho những quy tắc của Người, Người không phải là kẻ thù của chúng ta. Người có nhiều tình yêu với cái bản tính khỉ gió của chúng ta đến mức toàn bộ nỗ lực của Người là để giúp chúng ta trở nên nhận biết về thân phận nô lệ của mình, không phải để hoà giải với chúng. Người gây cho chúng ta những cơn sốc để thoát ra khỏi cái lồng thoải mái của mình, để cho qua hiểu biết và nhận biết, chúng ta có thể siêu việt lên chúng.
Bạn hoài nghi tôi nhưng bạn chưa bao giờ hoài nghi chính mình, bởi vì một khi tâm trí bắt đầu hoài nghi chính nó thì nó đã bắt đầu đi ra khỏi sự tồn tại. Một khi việc tự hoài nghi nảy sinh, cơ sở đã bị tan vỡ, tâm trí đã mất tự tin của nó. Một khi bạn bắt đầu hoài nghi tâm trí, chẳng chóng thì chầy bạn sẽ rơi vào trong vực thẳm của thiền.
Trong khi đọc Osho, phần lớn điều có thể làm là trở thành cảm nhận, để cho thông điệp không nói ra đó thấm nhuần vào toàn bộ lời nói.
Tôi nói, tôi có thể giúp bạn bởi vì tôi không phải là chuyên gia, tôi không phải là người ngoài. Tôi đã du hành trên cùng con đường này rồi… Tôi đã đi qua cùng con đường này rồi – cùng khổ, đau, cùng những ác mộng. Và bất kì cái gì tôi làm thì cũng không gì khác hơn ngoài việc thuyết phục bạn để bước ra khỏi cái điên khùng của mình.
Dù bạn đang ở đâu, tôi đã ở đó rồi, và dù tôi đang ở đâu, bạn cũng có thể tới đó. Nhìn vào tôi thật sâu sắc nhất đi, và cảm tôi thật sâu sắc đi, bởi vì tôi là tương lai của bạn, tôi là khả năng của bạn.
Ma Prem Paras
Bài nói ngẫu hứng cho đệ tử và bạn bè tại thính phòng Trang Tử,
Poona, Ấn Độ
***
Acharya Rajneesh, hay Bhagwan Shree Rajneesh, người về sau được thế giới biết đến với cái tên Osho, sinh năm 1931 ở làng Kuchwada, bang Madhya Pradesh, thuộc miền Trung Ấn Độ. Là con trai cả trong một gia đình Kỳ Na Giáo (Jaina), một trong những tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới, Osho chưa từng theo bất kỳ tôn giáo nào. Khi còn nhỏ, Osho đã là một đứa trẻ thông minh, nổi loạn, tự lập, hiếu kỳ về những lễ nghi tín ngưỡng cổ truyền và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ bà ngoại, một người phụ nữ sắc sảo.
Sau khi có học vị thạc sĩ Triết học tại Đại học Saugar năm 21 tuổi và đạt tới giác ngộ (Samadhi) vào năm 1970, Osho du thuyết nhiều nơi trên đất Ấn. Ông bắt đầu truyền giảng những khái niệm tâm linh mới mẻ gây tranh cãi, như thông qua dục (Sex) để đạt siêu tâm thức (Super-Consciousness) và đưa ra phương pháp thiền mới, gọi là thiền động (Dynamic Meditation) – một sự pha trộn các tư tưởng triết học và đạo giáo lớn đương thời. Tư tưởng của Osho lan tỏa khắp mọi nơi, thu hút hàng ngàn môn đệ trên toàn cầu.
Qua nhiều biến động, Osho di cư từ Ấn Độ sang Mỹ để chữa bệnh, rồi bị trục xuất quay về Pune (Poona) ở nước nhà. Osho yếu dần và “rời thân thể” năm 1990. Ông để lại cả một gia tài sách và những bài giảng ghi hình ghi âm lên tới 7000 giờ lưu trữ bằng 47 thứ tiếng, các hình thức tập thiền và một trung tâm tu học rộng 16 mẫu đất (khoảng 162.000 m2) cách Bombay 100 dặm.
Osho không theo bất kỳ tín ngưỡng nào. Ông cũng không truyền giảng bất kỳ đạo giáo nào. Thứ duy nhất ông thuyết giảng là Đạo, với quan niệm Thượng Đế nằm trong vạn vật. Với sứ mạng tạo một thế giới tỉnh thức, Osho đưa ra và muốn phổ biến hình ảnh về con người mới – được ông gọi với cái tên Phật Zorba.
Nhóm “người mới” là hình ảnh những người trỗi dậy thay thế thế hệ đang hấp hối, họ chấp nhận bản ngã của chính mình – vừa nhảy múa vui ca giữa cuộc đời, vừa cảm thấy an tịnh khoan hòa. Osho tin tưởng đó là một tương lai hoàng kim của nhân loại, khi con ngời ngừng tự hỏi về tương lai của chính mình và con em họ.
Nhiều đạo lý thuyết giảng của Osho vẫn còn gây tranh cãi trong cộng đồng và gây tai tiếng trong thời gian ông còn sống. Nhưng không thể phủ nhận, với trí tuệ, kỹ năng thuyết giảng đầy cuốn hút, một lối văn giản dị cùng óc hài hước và nhân cách của mình, Osho đã lay động trái tim và thay đổi cuộc sống của hàng triệu người.