Được viết trong giai đoạn Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai và nhanh chóng trở thành một trong những tác phẩm quan trọng của ngành lịch sử triết học đương đại, Sự Nghèo Nàn Của Thuyết Sử Luận (The Poverty Of Historicism) mang sứ mệnh góp phần tạo ra một phương pháp luận hướng tới một thế giới hòa bình, tự do và thịnh vượng.
Trong Sự Nghèo Nàn Của Thuyết Sử Luận, Karl Popper đưa ra lời phê bình đối với một phương pháp luận có nhiều khuyết điểm nhưng lại rất phổ biến lúc đương thời – thuyết sử luận – và từ đó ông đề xuất những cải tiến đối với phương pháp nghiên cứu nghiên cứu khoa học xã hội. Tác phẩm phê phán một cách tinh tế và xác đáng đối với huyền thoại về cái gọi là “Định mệnh lịch sử” (historical destiny) và “Tất định luận lịch sử” (historical determinism). Đó là những thuật ngữ của thuyết sử luận để chỉ quan điểm cho rằng lịch sử tiến hóa theo một quy luật phổ quát, đơn nhất và khách quan đối với con người. Vì thế, những người theo thuyết sử luận hy vọng rằng bằng cách nghiên cứu quá khứ, ta có thể nhận ra các khuôn mẫu (pattern, paradigm), có thể nắm bắt và dự đoán được quy luật phát triển xã hội. Thậm chí họ còn tin rằng họ có thể thiết kế cấu trúc một xã hội mới sao cho phù hợp với những bước tiến hóa tiếp theo của lịch sử. Và đó là cách mà những con người sử luận đưa nhân loại vào với những “giấc mơ” của họ (mà hóa ra lại là “cơn ác mộng” của tất cả những người còn lại)**.
Bằng lối lập luận cứng rắn, Karl Popper lên án những người đã quy giản quá trình tiến hóa của xã hội loài người thành “lịch sử đấu tranh giai cấp”, “lịch sử đấu tranh của các chủng tộc thượng đẳng”, “lịch sử phát triển khoa học kỹ thuật”, .v..v.; phê phán vì những quan điểm này đều loại bỏ những yếu tố bất định do con người – nguyên tử cấu thành xã hội – gây ra đối với quá trình phát triển của xã hội. Như ngay ở Lời tựa, ông đã viết: tri thức là yếu tố ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội, nhưng dù tri thức khoa học phát triển đến mức độ nào đi nữa thì đều không thể tự nó tiên đoán được sự phát triển của tri thức trong tương lai, vì vậy, khả năng dự đoán sự phát triển của xã hội là một ảo tưởng. Sau khi lần lượt bẻ gẫy từng cơ sở của thuyết sử luận, tác giả trình bày quan điểm bất định luận lịch sử (historical indeterminism) của mình. Ông nghi ngờ việc có tồn tại một (hay một tập) định luật phổ quát nào đó chi phối sự phát triển của xã hội loài người, từ đó nghi ngờ cả việc dự đoán tiến trình của lịch sử. Ông cũng không tin rằng có thể thiết kế và xây dựng một xã hội dựa trên “bản thiết kế tổng thể” của một tay “kỹ sư thiết kế xã hội” nào đó. Vì tương lai là vô định, liên tục thay đổi, nên để cải tiến xã hội, ông cho là phải áp dụng phương pháp “thử-sai” ở từng chi tiết nhỏ (“kiến dựng phân mảnh”) chứ không phải là bằng cách phá bỏ toàn bộ xã hội cũ để xây dựng một xã hội hoàn toàn mới theo một “tiên đoán” của một “kỹ sư sử luận” nào cả.
Về cấu trúc, cuốn sách có thể được chia làm 3 phần:
– Phần 1: gồm Lời tựa và Dẫn nhập nhằm giới thiệu tổng quát về ý tưởng của tác giả.
– Phần 2: gồm Phần 1 (Những luận thuyết phản tự nhiên luận, mục 1-10) và Phần 2 (Những luận thuyết duy tự nhiên luận, mục 11-18). Trong đó, tác giả đóng vai trò là người trình bày các quan điểm của thuyết sử luận theo cả 2 trường phái sử luận: phản tự nhiên luận (anti-naturalistic) và duy tự nhiên luận (pro-naturalistic).
– Phần 3: gồm Phần 3 (Phê phán những luận thuyết phản tự nhiên luận, mục 19-26) và Phần 4 (Phê phán những luận thuyết duy tự nhiên luận, mục 27-33). Trong đó, tác giả lần lượt phân tích các khuyết điểm trong các cơ sở của thuyết sử luận đã nêu ở trên, qua đó nêu lên quan điểm của mình về một phương pháp thay thế cho thuyết sử luận.
Qua cấu trúc này, ta cũng có thể thấy được tinh thần khoa học nghiêm túc của tác giả. Trước khi phê bình thuyết sử luận, ông đã trình bày lại thuyết sử luận theo cách hiểu của mình để đảm bảo thống nhất với độc giả các quan niệm về thuyết sử luận, tránh trường hợp hiểu lầm ý nhau. Và cũng qua việc trình bày lại các luận điểm của thuyết sử luận, Karl Popper muốn chứng tỏ rằng ông hiểu rõ thuyết sử luận đủ để có khả năng và có tư cách thực hiện một tiểu luận phê bình đối với luận thuyết này.
Thật lòng mà nói, đây là một tác phẩm khó đọc, có phần do dịch giả cố gắng bám sát lấy từng câu, từng chữ của tác giả, nhưng cũng có phần là do mức độ khái quát và trừu tượng cao của tác phẩm, lại thêm nhiều thuật ngữ mới. Nếu bạn đọc đã từng đọc qua Xã Hội Mở Và Những Kẻ Thù Của Nó (Open Society And Its Enemies) của Karl Popper thì sẽ dễ theo dõi hơn khi đọc Sự Nghèo Nàn Của Thuyết Sử Luận. Một cách khác để bạn có thể nắm được tác phẩm một cách dễ dàng hơn: đọc Wikipedia và review trên Amazon về tác phẩm này.
Ghi chú:
* Cuốn này mình hoàn thành đã hơn 1 tháng rồi, tính để qua đầu năm mới mới post nên ghi trước ngày hoàn thành là 01/01/2016 nhưng vì ngẫm lại, sợ bị mắng là “đầu năm mà đưa cái thứ khó gặm lên làm xui cả năm” nên thôi gửi cuối năm xem như để chốt lại một năm khốn khổ.
** Câu cuối này lấy ý từ một câu nói của Victor Hugo.