Cuối năm 1984, hai học giả Australia, Grant Evans và Kelvin Rowley xuất bản quyển sách về cuộc chiến tranh trên biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc nước ta mà họ gọi là cuộc chiến tranh Đông Dương thứ ba. Họ bắt đầu viết quyển sách từ cuối năm 1979 và trong quá trình viết đã đến thăm Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan trong nhiều tháng.
Grant Evans giảng tại Khoa xã hội học trường Đại học New South Wales, Sydney và là tác giả quyển “Những kẻ gây ra mưa vàng”, một công trình điều tra về những luận điệu của Mỹ vu khống Liên Xô dùng vũ khí hoá học ở Đông Nam Á.
Kelvin Rowley là giảng viên các đề tài nghiên cứu về chính trị và xã hội tại Viện kỹ thuật Xuyn-bơn, Melbourne.
Các tác giả đã nói rõ động cơ viết quyển sách này của họ. Trước tiên là để chống lại những luận điểm mới hiện nay lấy cái gọi là “chủ nghĩa bành trướng của cộng sản” mà phương Tây đã dựng lên hai thập kỷ trước đây để giải thích việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia. Các tác giả cũng bác bỏ những khẳng định của những kẻ chiến tranh lạnh mới đó rằng Việt Nam là một cường quốc xâm lược, bành trướng. Các tác giả chứng minh rằng “Hà Nội không phải là người gây ra cuộc khủng hoảng ở Đông Dương mà chủ yếu là phản ứng lại các sức ép từ bên ngoài”. Các tác giả cũng phê phán mạnh mẽ chính sách của Trung Quốc và của Mỹ trong khu vực. Các tác giả cho rằng cả phái tả lẫn phái hữu đều không hiểu đúng thực chất chính sách đối ngoại của Trung Quốc đến mức mà các tác giả đã buộc phải để cả một chương trong quyển sách nhỏ này (chương V) để làm sáng tỏ chính sách đó và để xem xét những gốc rễ lịch sử của nó.
Các tác giả khẳng định rằng trong cuộc chiến tranh trên biên giới phía Bắc Việt Nam, Trung Quốc là kẻ xâm lược và sự xâm lược đó đã được mưu tính công khai từ trước. Các tác giả cũng khẳng định rằng sự đe doạ của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á là một đe doạ “thực sự” chứ không phải chỉ là đe doạ “cảm thấy”. Về thái độ đối với Việt Nam thì các tác giả cho rằng việc Trung Quốc câu kết với Mỹ đầu những năm 1970 đã làm cho Trung Quốc “có một lập trường quyết liệt hơn đối với Hà Nội” và chính sách của Trung Quốc hiện nay là ra sức “làm chảy máu Việt Nam”.
Bằng mắt thấy và tai nghe của mình, các tác giả chứng minh rằng mối quan hệ giữa ba nước Đông Dương là mối quan hệ bình đẳng, tin cậy lẫn nhau, giúp đỡ và hợp tác với nhau, chẳng hề có “không khí chiếm đóng” hoặc hiện tượng “thuộc địa hoá” nào như phương Tây vu khống. Các tác giả bỏ cái mà phương Tây gọi là “Liên bang Đông Dương trong quan hệ giữ ba nước”.
Đối với các nước ASEAN, các tác giả cho rằng các nước này liên kết chặt chẽ với các chính sách của Trung Quốc và của Mỹ chống lại Việt Nam. Đó là một chính sách tỏ ra phản tác dụng, chỉ phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc và của Mỹ chứ không phải cho lợi ích an ninh và ổn định khu vực của ASEAN.